EVN sẽ tính toán tối ưu lựa chọn tỉ lệ phù hợp các loại hình nguồn điện trong đó có nguồn năng lượng tái tạo – VGP/Toàn Thắng
Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng định hướng chiến lược trong việc chuyển dịch năng lượng với những trọng tâm và lộ trình cần tập trung thực hiện. Tuy nhiên thách thức lớn nhất vẫn là nguồn vốn đầu tư khi trong giai đoạn 2025 -2030 nhu cầu về nguồn vốn lên đến 6 tỷ USD cho các dự án nguồn và lưới điện.
Theo đó, trên quan điểm phát triển của Dự thảo Quy hoạch điện VIII, EVN đã xác định những trọng tâm để xây dựng định hướng chiến lược chuyển dịch năng lượng.
Cụ thể, về nguồn điện, EVN cho biết sẽ tính toán tối ưu, lựa chọn tỉ lệ phù hợp đối với các loại hình nguồn điện; phát triển các nhà máy nhiệt điện dùng khí tự nhiên hóa lỏng và các nguồn điện năng lượng tái tạo. Đồng thời tập trung nghiên cứu cập nhật các công nghệ ứng dụng các nguồn nhiên liệu mới ít phát thải khí nhà kính.
Trong quá trình chuyển dịch năng lượng, EVN cũng xác định lộ trình nâng cấp, ứng dụng các giải pháp công nghệ để lưu trữ và xử lý khí thải nhà kính đối với các nhà máy nhiệt điện truyền thống; đề ra lộ trình loại bỏ các nhà máy cũ không còn đáp ứng các tiêu chuẩn về niên hạn và phát thải.
Với lưới điện, hiện nay EVN đang tập trung phát triển hệ thống lưới điện truyền tải giải tỏa công suất đồng bộ với lộ trình đầu tư nguồn điện đến năm 2045. Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ, hiện đại hóa, nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải, giảm tỉ lệ tổn thất trên lưới điện truyền tải và phân phối.
Đáng chú ý là việc phát triển lưới điện thông minh, kết hợp với xây dựng thị trường dịch vụ phụ trợ cho nguồn và phụ tải điện, nhằm nâng cao tính linh hoạt vận hành lưới điện.
Cùng với đó EVN cho biết sẽ đẩy mạnh việc huy động các nguồn vốn ưu đãi trong và ngoài nước để đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và khuyến khích chuyển dịch năng lượng.
Theo EVN, một trong những thách thức lớn nhất khi chuyển dịch năng lượng, đó là chi phí đầu tư lớn trong khi phải đảm bảo giá điện cân bằng khả năng chi trả và được Chính phủ phê duyệt.
Trong giai đoạn 2025-2030, theo tính toán, mỗi năm Tập đoàn này cần phải huy động nguồn vốn đầu tư lên tới 6 tỷ USD cho các dự án nguồn và lưới điện trong điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi rất hạn chế.
Tập đoàn cũng kiến nghị bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư điện mặt trời trên lòng hồ các nhà máy thủy điện của EVN và các đơn vị trực thuộc để tận dụng mặt bằng, hạ tầng truyền tải sẵn có và phối hợp vận hành tối ưu với các nhà máy thủy điện.
Đồng thời nghiên cứu đề xuất đầu tư các nguồn lưu trữ và các nhà máy thủy điện tích năng để vận hành tối ưu và an toàn hệ thống khi tỉ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao; đầu tư các công trình lưới điện theo quy hoạch nhằm tăng cường, củng cố cơ sở hạ tầng hệ thống truyền tải điện.
EVN cũng đang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành đề nghị WB tiếp tục cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi cho các dự án điện thuộc giai đoạn 2025-2035 với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD; hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng chiến lược chuyển dịch năng lượng.
Theo Chinhphu.vn