Chọn việc, làm điểm, nhân rộng để có những sản phẩm công nghiệp văn hóa

Chọn việc, làm điểm, nhân rộng để có những sản phẩm công nghiệp văn hóa  - Ảnh 1.
 Chọn việc, làm điểm, nhân rộng để có những sản phẩm công nghiệp văn hóa  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm việc với Cục Bản quyền tác giả về định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025 (ảnh T.H)

Để thực hiện hiệu quả những mục tiêu về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, cần chọn việc, làm điểm, nhân rộng để có những sản phẩm công nghiệp văn hóa cụ thể, hình thành thương hiệu, mang lại nguồn thu và dần có những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trong buổi làm việc với Cục Bản quyền tác giả và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ VHTTDL về định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025 diễn ra ngày 10/9 tại Hà Nội. Buổi làm việc có sự tham dự của Thứ trưởng Đoàn Văn Việt. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, từ kết quả triển khai nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua, cần xác định định hướng triển khai trong thời gian tới là gì. Phải tiếp cận đúng nghĩa về công nghiệp văn hóa từ nhận thức đến hành động, xác định rõ nội hàm, thống kê chỉ số đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa trong tỉ trọng GDP… để từ đó xác định những công việc cụ thể, mục tiêu cụ thể cho chặng đường sắp tới.

Theo Cục Bản quyền tác giả, tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ VHTTDL được giao trực tiếp quản lý, tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển 5/12 ngành công nghiệp văn hóa, gồm: điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; du lịch văn hóa. Đồng thời, phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch thuộc lĩnh vực phụ trách để triển khai, thực hiện Chiến lược; rà soát, đề xuất hoặc kiến nghị các cơ quan liên quan đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung để ban hành theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách; tổ chức kiểm tra, giám sát và định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai, thực hiện Chiến lược.

Cục Bản quyền tác giả là đơn vị được Bộ giao chủ trì, phối hợp, theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm về các ngành công nghiệp văn hóa: xây dựng cơ sở dữ liệu; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; truyền thông nâng cao nhận thức xã hội; quảng bá thương hiệu quốc gia; đề án xây dựng thương hiệu quốc gia; nghiên cứu, khảo sát học tập kinh nghiệm tại các nước phát triển về công nghiệp văn hóa.

Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai một số công việc như: sơ kết việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025; Xây dựng Đề án phát triển công nghiệp văn hóa số, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đến năm 2045 thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa số trình Bộ trưởng; Tổng hợp Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia của 5 ngành thuộc Bộ…

Tại buổi làm việc, Cục Bản quyền tác giả báo cáo một số nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2021 và kiến nghị, đề xuất nhiệm vụ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới. Trong đó: Xây dựng Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số ngành công nghiệp văn hóa; tổng điều tra về đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP, xuất nhập khẩu và việc làm (làm cơ sở để xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về công nghiệp văn hóa); xây dựng Bộ chỉ số quốc gia đóng góp của 12 ngành công nghiệp văn hóa vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin; xác định một số sản phẩm cụ thể, chủ lực làm tiền đề phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…

Ông Lê Hồng Phong, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, trong bối cảnh hiện nay, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ khó nhưng hết sức quan trọng. Mỗi lĩnh vực cần định vị các sản phẩm cụ thể để phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, không thể thiếu chuỗi liên kết, hỗ trợ giữa các ngành để đạt được mục tiêu phát triển. Hoặc, sự kết nối giữa du lịch và các di sản, minh chứng là các tour tham quan, trải nghiệm tại các di tích, bảo tàng vốn đã mang lại nguồn thu lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới.

 Chọn việc, làm điểm, nhân rộng để có những sản phẩm công nghiệp văn hóa  - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh T.H)

Theo ông Lê Hồng Phong, cần nghiên cứu những cơ chế, chính sách lồng ghép để phát huy hiệu quả mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng dần định hình các sản phẩm, thương hiệu cụ thể. Theo Quyết định 1755, Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh sẽ là 3 khu vực “đầu tầu” trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Hà Nội cũng đang có nhiều chương trình thúc đẩy mạnh mẽ phát triển lĩnh vực này. Bởi vậy, ông Phong đề xuất, cần thiết có sự kết nối để nâng cao hiệu quả.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, bản đồ công nghiệp văn hóa Việt Nam cần có những số liệu được tính toán khoa học, từ đó sẽ cho biết chỉ số đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GDP, chỉ số về việc làm…, giúp hình thành những mục tiêu, giải pháp thực hiện.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 phải chú trọng tính khả thi; cần có các chuyên gia, những nhân tố có kinh nghiệm và năng lực để tham gia xây dựng đề án. Mục tiêu là có được các sản phẩm công nghiệp văn hóa thực sự chất lượng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm tới cần đẩy mạnh, đi vào thực chất, tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, đặt mục tiêu và lộ trình cụ thể. “Với quan điểm chọn việc, chọn điểm, phải tạo dựng cho được một số sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực để định danh, phát triển thương hiệu, dần dần có đóng góp vào nền kinh tế quốc dân. Tranh sơn mài, phim, sản phẩm âm nhạc thu hút công chúng…, cần sớm được định hình thương hiệu, từ đó thấy được đóng góp của những sản phẩm công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế như thế nào”, Bộ trưởng phát biểu.

Bộ giao nhiệm vụ cho Cục Bản quyền tác giả chủ trì xây dựng Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030. Để đề án được xây dựng sát thực tiễn, có tính khả thi cao, cần đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân những hạn chế và đặc biệt là xác định được những mục tiêu cụ thể trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, cách làm trong thời gian tới cần phải bài bản, cụ thể. BCĐ xây dựng Đề án của Bộ thành lập Tổ biên tập, mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm tham gia. Đề án được xây dựng phải có lộ trình, dựa trên những luận cứ khoa học và quản trị mục tiêu để đạt được những mục đích cụ thể.

Theo Bộ VHTTDL

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo