‘Chính phủ hành động’ và những ưu tiên chung của Việt Nam-Hoa Kỳ

'Chính phủ hành động' và những ưu tiên chung của Việt Nam-Hoa Kỳ - Ảnh 1.
'Chính phủ hành động' và những ưu tiên chung của Việt Nam-Hoa Kỳ - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 9 theo hình thức trực tuyến, ngày 26/10/2021. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chuyến công tác tới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hoa Kỳ được kỳ vọng là “chất xúc tác” và cơ hội để phát huy hơn nữa kết quả tốt đẹp trong quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ được khích lệ bởi ‘Chính phủ hành động’ của Việt Nam và những ưu tiên chung của hai bên.

Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ trước thềm chuyến công tác của Thủ tướng, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ bày tỏ lạc quan về việc tăng đầu tư, mở rộng hoạt động và tin tưởng vào những tiến bộ thực chất trong môi trường đầu tư lành mạnh và linh hoạt tại Việt Nam.

Ưu tiên trùng hợp của cả hai phía

Đánh giá về quan hệ kinh tế Việt Nam–Hoa Kỳ, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ–ASEAN (USABC) cho hay: Lĩnh vực này liên tục chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trong một thời gian dài và xu hướng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Hai nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau rất mạnh thay vì cạnh tranh lẫn nhau, tức là việc xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ hay Hoa Kỳ sang Việt Nam không lấy đi công ăn việc làm của người dân hai nước. Đây là điểm thuận lợi.

Theo ông Vũ Tú Thành, thương mại của hai nước tăng trưởng hai chiều với tốc độ ấn tượng, tuy nhiên theo con số thống kê, lĩnh vực đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn còn dưới tiềm năng.

Tính đến năm 2019, tổng lượng đầu tư FDI của Hoa Kỳ vào Đông Nam Á là 338 tỷ USD, con số này lớn hơn tổng FDI của Hoa Kỳ vào Trung Quốc lục địa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cộng lại.

“Tuy nhiên, mức đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam lại không nằm trong Top 5. Trên thực tế, nhiều khoản đầu tư của Hoa Kỳ lại không được tính cho Hoa Kỳ mà lại tính vào các nền kinh tế khác. Do đó, con số thống kê chưa cho thấy quy mô thực của tổng lượng đầu tư FDI của Hoa Kỳ, chưa kể còn có rất nhiều quỹ đầu tư vào thông qua thị trường chứng khoán của Việt Nam, tức là đầu tư gián tiếp”, ông Vũ Tú Thành cho hay.

'Chính phủ hành động' và những ưu tiên chung của Việt Nam-Hoa Kỳ - Ảnh 2.

Ông Vũ Tú Thành: Quan hệ kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ liên tục chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trong một thời gian dài và xu hướng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo dõi nền kinh tế Việt Nam trong chặng đường phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, USABC đánh giá cao Việt Nam là một trong số ít các nước đi đầu ở khu vực và thậm chí trên thế giới trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch đúng thời điểm cũng như nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế.

Khi dịch COVID-19 bùng phát minh, có những thông tin bi quan về các tập đoàn, thương hiệu lớn toàn cầu đang rời khỏi Việt Nam… Đáng mừng là Chính phủ Việt Nam đã xoay chuyển tình thế nhanh và quyết đoán cho nên chặn đứng được xu hướng đó. Việt Nam đã có tăng trưởng quý IV/2021 đảo ngược lại sự sụt giảm, qua đó tạo đà cho năm 2022, ông Vũ Tú Thành nhận định.

Những vấn đề như thiếu hụt lao động hay đứt chuỗi cung ứng cục bộ đã hiện hữu trong năm 2021 và là nguy cơ của năm 2022 nhưng đến thời điểm này đều đã được khắc phục về cơ bản.

Việc kiểm soát dịch bệnh và khắc phục các vấn đề nói trên cho phép Chính phủ Việt Nam dành nguồn lực để quan tâm đến cải cách hành chính, thúc đẩy đầu tư công, chính sách đất đai… Điều này đã tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh ở thị trường Việt Nam.

Theo đại diện USABC, trong bối cảnh sau đại dịch hiện nay, nhiều ưu tiên của Việt Nam trùng hợp với những ưu tiên của Chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và y tế.

Trong chuyển đổi số, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi cụ thể như: Ban hành chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số, triển khai đề án phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Chính phủ hành động trước khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, ông Thành đánh giá, việc tham vấn của Việt Nam với các nền kinh tế số phát triển, với những doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu thế giới vẫn chưa thực sự tốt. Việt Nam vẫn còn tự “mày mò”, chưa tự tin cùng “ngồi” với các tập đoàn công nghệ lớn để bàn thảo các chiến lược mang tính tổng thể, hợp tác hiệu quả.

Trong chuyển đổi xanh, Chính phủ Việt Nam đã gửi đi tín hiệu tích cực, thể hiện trong dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện VIII, tỷ lệ điện than giảm xuống dưới 10%, tỷ lệ năng lượng tái tạo tăng lên hơn 50% đến năm 2045.

Điều này phù hợp với xu thế thế giới. Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn rằng với khoảng thời gian không quá dài thì liệu Việt Nam có đủ nguồn lực để phát triển nguồn năng lượng tái tạo lớn như vậy không?

“Ngược lại với những băn khoăn, lo lắng, USABC rất ấn tượng khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết của Việt Nam tại COP 26, đó là hướng đến trung hòa phát thải carbon vào năm 2050. Điều này đã thể hiện Việt Nam xác định đi ngang bằng với các quốc gia phát triển trên thế giới, chứ không còn tư duy là nước kém phát triển, top sau trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu, ý chí, quyết tâm như thế, sẽ luôn tìm được giải pháp. Tôi cho rằng một Chính phủ hành động, một nhà lãnh đạo hành động là khi đứng trước khó khăn, thách thức, thay vì tìm lý do để biện minh cho việc không làm thì sẽ tập trung tìm giải pháp. Thực tế, Việt Nam đang làm và có giải pháp để thực hiện điều đó”, ông Thành bày tỏ.

Như mới đây, Bộ Công Thương đã gửi đi tín hiệu cho phép thí điểm, thực hiện các dự án điện độc lập, nhà phát triển nguồn điện được kết nối trực tiếp với khách hàng ở quy mô công nghiệp… Những động thái như vậy sẽ nâng cao tính hiệu quả của thị trường năng lượng, đặc biệt là thị trường điện, giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đầy tham vọng như đã cam kết tại COP 26.

Hay trong lĩnh vực y tế, với thành tích chống dịch COVID-19 khá ấn tượng vừa qua, rõ ràng Việt Nam xứng đáng được coi là một trong những quốc gia có năng lực về y tế. Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ Hoa Kỳ đặt Văn phòng Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.

Ông Vũ Tú Thành cũng cho rằng, trong thời gian tới, dư địa phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước còn rất nhiều. Mặc dù Việt Nam đã xuất khẩu hàng trăm tỷ USD sang Hoa Kỳ nhưng con số này chỉ bằng một phần rất nhỏ so với Trung Quốc hay nhiều nước khác xuất khẩu sang Hoa Kỳ, hoặc con số tổng thể nhập khẩu của Hoa Kỳ mỗi năm. Những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như thủy hải sản, tiêu dùng… hoàn toàn có thể tiếp tục tăng trưởng.

Đặc biệt, một “mảnh đất” chưa được khai thác nhiều về thương mại dịch vụ, trong đó những dịch vụ về nền kinh tế số của Việt Nam rất tiềm năng, có thể xuất khẩu đi thế giới và sang Hoa Kỳ. Cả hai Chính phủ đều đang cố gắng thúc đẩy để hai bên khai thác các tiềm năng, dư địa rất lớn trong lĩnh vực này.

Nhân dịp chuyến công tác này của đoàn Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn được trao đổi, làm việc về những cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, các cơ chế, chính sách để khuyến khích những dự án, lĩnh vực lớn mà doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ông Vũ Tú Thành kỳ vọng qua chuyến thăm và làm việc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ hy vọng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước.

'Chính phủ hành động' và những ưu tiên chung của Việt Nam-Hoa Kỳ - Ảnh 4.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ảnh VGP

Thương mại song phương giữa hai nước tăng khoảng 250 lần

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam đánh giá chuyến thăm này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phía Hoa Kỳ đã thực sự cho thấy họ coi trọng mối quan hệ với châu Á, nhất là các nước Đông Nam Á – khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh nhất hiện nay và ngày càng có vị thế cao trên thế giới. Việt Nam, với vị trí nằm ở gần trung tâm Đông Nam Á và những bước tăng trưởng, là ‘chìa khóa’ cho bất kỳ quốc gia nào muốn mở cánh cửa để tiếp cận và bước vào thị trường Đông Nam Á tiềm năng và năng động.

Ông John Rockhold cho rằng, thương mại giữa hai bên là một câu chuyện có chiều dài lịch sử, là một thành công lớn và đạt được bước tiến cực kỳ ấn tượng. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021.

Thành công này có được là do mối quan hệ tốt đẹp, đối thoại cởi mở của hai quốc gia và việc Việt Nam hoan nghênh đầu tư của Hoa Kỳ thông qua đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Hợp tác trong nông nghiệp là một điểm nhấn hợp tác kinh tế của hai nước khi ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ được xuất khẩu sang Việt Nam và ngược lại. Đơn cử như 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thu về gần 4,9 tỷ USD nhờ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ và thị trường này chiếm 27,3% thị trường xuất khẩu nông sản Việt.

Thời gian qua, cũng như tại nhiều quốc gia và thị trường khác trên thế giới, các công ty tại Việt Nam phải vật lộn để chống chọi với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã cố gắng đưa ra nhiều khuyến khích nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ và đặc biệt ưu tiên cho các dự án cơ sở hạ tầng. Phía nhà đầu tư Hoa Kỳ đã bắt đầu tăng cường đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, nhất là trong các ngành sản xuất, du lịch và năng lượng.

Chẳng hạn như, Tập đoàn General Electric (GE) sản xuất các tua bin điện gió phục vụ cho ngành năng lượng đang phát triển và hoạt động tốt hay như Tập đoàn năng lượng AES đang có kế hoạch mở nhà máy sản xuất pin tại Việt Nam.

Ở khu vực miền Nam, một số công ty Hoa Kỳ, ví dụ như tập đoàn Intel, đang sản xuất tấm pin mặt trời. Các công ty này hiện đang trong quá trình đều có kế hoạch tăng cường sản xuất. Một số doanh nghiệp khác như Nike, chuyên sản xuất giầy thể thao tại Việt Nam hoặc các công ty may dù đã có lúc đối mặt với vấn đề thiếu nguồn nhân lực nhưng đã phục hồi sản xuất.

Mặc dù có những ngành như du lịch, khách sạn, vận tải, hậu cần đã bị ảnh hưởng mạnh và đang phục hồi chậm, nhưng các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động trong lĩnh vực như thiết bị y tế hay dược phẩm thì đang rất phát triển.

Nhìn chung, các công ty Hoa Kỳ rất lạc quan về việc tăng đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam, ông John Rockhold bày tỏ. Thông qua chuyến công tác này, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có nhiều cơ hội mở rộng quan hệ thương mại hiệu quả, thực chất và cân bằng.

Hợp tác trong ngành năng lượng sẽ gặt hái nhiều thành công

Ông John Rockhold chia sẻ, AmCham đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và đã trao giải CSR cho hơn 60 doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong suốt thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các công ty này đã hỗ trợ vật tư y tế giúp Việt Nam phòng chống dịch bệnh.

Thời gian tới, AmCham sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu đưa ra tại COP26. Hầu hết các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã triển khai các chương trình khử carbon và hướng tới xóa bỏ “dấu chân carbon” (lượng khí nhà kính, chủ yếu là cacbon dioxide, thải vào khí quyển bởi một hoạt động cụ thể của con người) vào năm 2030.

Nhiều công ty Hoa Kỳ đang hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để đạt được mục tiêu này và ngày càng nhiều công ty coi Việt Nam là điểm đến đầu tư. Đồng thời, cũng góp phần cung cấp cho Việt Nam nguồn nhân lực có kỹ thuật cao và xây dựng các khu công nghiệp carbon thấp.

Trả lời câu hỏi của phóng viên những đề xuất với phía Việt Nam, Chủ tịch AmCham cho rằng tính minh bạch và khả năng dự đoán cao hơn trong hệ thống thuế của Việt Nam sẽ củng cố môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là tránh các phán quyết và đánh giá có hiệu lực hồi tố. Phía Hoa Kỳ cũng khuyến nghị Việt Nam nghiên cứu việc phê chuẩn và triển khai hiệp định thuế song phương với Hoa Kỳ và tránh đánh thuế hai lần đối với các công dân Hoa Kỳ đang làm việc tại đây theo nhiệm kỳ.

Ngoài ra, các tập đoàn Hoa Kỳ đang gia tăng nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng sạch cho các hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam. Tiến bộ về chuyển đổi năng lượng của Việt Nam sẽ tạo ra lợi ích cho nền kinh tế rộng lớn hơn và giúp đáp ứng các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại COP26.

Việc Hội đồng thẩm định thông qua dự thảo quy hoạch điện VIII vào ngày 26/4/2022 cũng như cách tiếp cận của Chính phủ và quan điểm về tăng trưởng năng lượng từ nhiều góc độ như tài chính, chính sách thuế, giáo dục công, phát thải carbon, ngân hàng, nhiên liệu đầu vào, nhu cầu truyền tải, lưu trữ và đổi mới,… sẽ thu hút nguồn đầu tư của Hoa Kỳ.

Dựa trên những cơ sở trên, Chủ tịch AmCham dự báo, trong tương lai, hợp tác trong ngành năng lượng giữa hai quốc gia sẽ gặt hái nhiều thành công. Rất nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn đầu tư nhiều hơn vào ngành năng lượng tại Việt Nam. Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng đang đưa ra một số cải tiến mới được các nhà đầu tư Hoa Kỳ ưu tiên hàng đầu, chẳng hạn như quy định về các nguồn nhiên liệu mới như khí hydro và các loại năng lượng tái tạo khác.

“Tôi nhận thấy rằng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng còn rất nhiều dư địa và hứa hẹn yếu tố thành công mới, qua đó cũng sẽ góp phần hài hòa cán cân thương mại. Vì vậy, tôi hy vọng rằng chính quyền Hoa Kỳ sẽ tích cực làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong việc đảm bảo nguồn năng lượng cho quá trình chuyển đổi nhiên liệu”, ông nói.

Ngoài ra, AmCham và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ nói chung hy vọng sẽ có thêm các cuộc thảo luận với phía Việt Nam về việc phát triển hệ thống cảng biển. Đồng thời, đầu tư nhiều hơn cho đầu tư đường bộ và sân bay, với sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân.

Theo Chinhphu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo