Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Thông báo nêu rõ, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng của quốc gia có quy mô lớn, khối lượng giải phóng mặt bằng rộng, thủ tục bồi thường phức tạp. Trong 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến tiến độ chung của dự án. Thủ tướng Chính phủ chia sẻ những khó khăn đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải và các chủ đầu tư trong quá trình triển khai nhiệm vụ được giao.Đây là nội dung Thông báo 340/TB-VPCP ban hành ngày 20/12/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Qua hơn một tháng từ cuộc họp giao ban tháng 11/2021, đến nay một số công việc đã có chuyển biến theo hướng tích cực như đã thực hiện thu hồi thêm mặt bằng, hoàn thành một số thủ tục thẩm định thiết kế… Tuy nhiên, tiến độ tổng thể vẫn không đạt yêu cầu theo kết luận cuộc họp trước (ví dụ như không khởi công gói thầu san lấp vào đầu tháng 12 như cam kết…). Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan cần rút kinh nghiệm; phải xác định “làm thật” để đạt kết quả, mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Để thuận lợi trong việc thực hiện kiểm điểm tiến độ hằng tháng, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và chủ đầu tư các dự án thành phần lập bảng tiến độ chi tiết theo sơ đồ găng (gantt), gửi Bộ Giao thông vận tải xác nhận trước ngày 24/12/2021. Giao Bộ Giao thông vận tải đôn đốc, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ này. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, phê duyệt bảng tiến độ tương tự đối với công tác thu hồi đất, triển khai các khu tái định cư và các hạng mục của dự án.
Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ, mốc tiến độ cụ thể sau:
Về công tác giải phóng mặt bằng, chậm nhất 31/12/2021 hoàn thành bàn giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ 1.810 ha và bàn giao 722 ha khu vực đổ đất dự trữ. Đối với phần diện tích còn lại (trên toàn bộ diện tích 4.946,5 ha) hoàn thành trước 30/6/2022.
ACV, VATM kiện toàn Ban quản lý dự án với đầy đủ bộ máy, chức năng nhiệm vụ, quy chế làm việc… để bảo đảm tính pháp lý, rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả; trong đó cần khẩn trương có phương án bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho Ban quản lý dự án, tạo thuận lợi nhất trong điều hành, tổ chức thi công.
Với tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng công nghệ tiên tiến, các chủ đầu tư cần đổi mới tư duy, nghiên cứu rút ngắn tiến độ các hạng mục công việc (như tư vấn thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị…) ngay từ khi lập hồ sơ mời thầu, trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc và bảo đảm quy định của pháp luật.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công tác thẩm định các hồ sơ thiết kế.
Về thu xếp nguồn vốn triển khai Dự án thành phần 3, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ACV khẩn trương làm việc với các ngân hàng thương mại về việc vay vốn trong nước bằng ngoại tệ theo quy định.
Theo Chinhphu.vn