Tăng trưởng mạnh 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo của CTCK VNDirect, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết tăng 36,2% trong quý 2/2021 và tăng 55,5% trong 6 tháng năm 2021, một phần do mức nền thấp của 6 tháng năm 2020.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Techcombank đạt 11.500 tỉ đồng, tăng trưởng 71,2% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu nhập hoạt động tăng 52,1%, đạt 18.100 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) 3,7%. Mức tăng này có thể nói hết sức ngoạn mục trong bối cảnh hầu hết ngành nghề, doanh nghiệp đều khó khăn.

Tương tự, LienVietPostBank cũng chỉ cần 6 tháng để hoàn thành 2/3 chỉ tiêu lợi nhuận năm với 2.000 tỉ đồng. Hay lợi nhuận trước thuế của OCB tăng trưởng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.661 tỉ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế VPBank hơn 9.000 tỉ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó mảng ngân hàng (NH) riêng lẻ đóng góp 88% vào lợi nhuận hợp nhất. VIB công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 3.952 tỉ đồng, tăng trưởng 68%.

Lợi nhuận của những ngân hàng nhỏ có tốc độ tăng mạnh như Saigonbank vừa công bố đạt 137 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành xong kế hoạch cả năm. Lợi nhuận nửa đầu năm của các nhà băng lớn đầu ngành cũng ở mức cao, chẳng hạn Vietcombank khoảng 13.000 tỉ đồng, VietinBank ước đạt 13.000 tỉ đồng…

Các nhà băng lý giải  lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ thu dịch vụ. Ví dụ LienVietPostBank, thu thuần dịch vụ tăng 86% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, thu phí hoa hồng bảo hiểm tăng gần 90%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ Techcombank tăng trưởng 31,5%, đạt 2.800 tỉ đồng với sự đóng góp từ tất cả loại hình phí chủ chốt. Trong đó, thu nhập phí liên quan tới chứng khoán (cấu phần lớn nhất trong dịch vụ) tăng trưởng 18,4%.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, đánh giá thu nhập từ lãi vẫn là động lực dẫn dắt tăng trưởng với nhu cầu tín dụng trong 6 tháng đầu năm duy trì ổn định. Khách hàng được mở rộng với nhu cầu gắn kết, sử dụng dịch vụ ngân hàng ngày càng cao giúp ngân hàng gia tăng đáng kể thu nhập từ phí.

Thêm vào đó, các ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng nhằm duy trì chất lượng tài sản trước khả năng nợ xấu gia tăng. Hầu hết các ngân hàng niêm yết ghi nhận NIM cải thiện trong 6 tháng đầu năm nhờ chi phí vốn giảm. NIM dự báo sẽ khó cải thiện trong trong nửa cuối năm do các ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Cầu tín dụng chưa cao

Đáng lưu ý là cùng với tăng trưởng lợi nhuận, tổng chi phí dự phòng của các ngân hàng đã tăng 89,5%, chiếm 42,7% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng. Do vậy, tổng lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết tăng 36,2% trong quý 2/2021, thấp hơn mức 77,3% của quí 1/2021. Trong đó, lợi nhuận ròng của 3 ngân hàng niêm yết có vốn Nhà nước niêm yết là VCB, CTG và BID tăng 42,5%…

Tuy nhiên, tín dụng đang tăng trở lại trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tháng 7 và 8 tín dụng chỉ tăng thêm 0,9%, nâng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên 7,4% so đầu năm cuối tháng 8/2021.

Từ diễn biến thực tế, Công ty Chứng khoán VNDirect  điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành xuống mức 10-12% từ mức 13% trước đó nhằm phản ánh khả năng cầu tín dụng chưa phục hồi sau giãn cách. Bởi bức tranh lợi nhuận của toàn ngàn nửa cuối năm 2021 sẽ chịu tác động lớn từ đợt bùng phát hiện tại, do đó thị trường chủ yếu sẽ kỳ vọng vào triển vọng lợi nhuận năm 2022.

Trong báo cáo cập nhập ngành ngân hàng mới nhất, Công ty Chứng khoán BSC cho biết, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã được cấp thêm room tín dụng, tập trung chủ yếu ở nhóm thương mại cổ phần. Việc nới room tín dụng phụ thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất.

Trong đó, Techcombank và TPBank là 2 ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, lần lượt là 17,1% và 17,4%, do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) Basel II ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro và có những cam kết hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới. Tiếp theo là MSB với mức nới room từ 10,5% lên 16%, MB từ 8,5% lên 15%; VIB từ 8,5% lên 14,1%; ACB từ  9,5% lên 13,1%…

Theo ông  Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng, những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại. Và ngành ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Giá cổ phiếu các ngân hàng hiện đã điều chỉnh giảm khoảng 15% từ mức đỉnh và phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát lần thứ 4. Vì vậy định giá ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn trong năm 2022 khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư.

Theo Diendandoanhnghiep.vn