Sau 6 ngày vận hành thu phí thử nghiệm (không thu tiền) trên cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận (từ 14 giờ ngày 23/6 đến 14 giờ ngày 29/6), đơn vị quản lý, vận hành đã phục vụ hơn 186.700 lượt xe, trung bình mỗi ngày có khoảng 31.100 lượt xe.
Theo đánh giá của Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận, đơn vị quản lý, vận hành tuyến cao tốc, trong thời gian thu phí thử nghiệm, tình hình an ninh trật tự trên tuyến được bảo đảm. Cơ bản các xe đều tuân thủ lấy thẻ IC (IC card) khi vào cao tốc và trả thẻ IC khi ra khỏi cao tốc. Toàn bộ hệ thống thiết bị kiểm tra, theo dõi vận hành công tác thu phí hoạt động ổn định, đáp ứng tốt các yêu cầu về thu phí, quan sát, lưu trữ.
Về tình hình giao thông trên tuyến, những ngày cuối tuần lưu lượng xe đông, thường gia tăng đột ngột, tập trung vào các giờ cao điểm nên gây dồn ứ phương tiện ở đầu vào và ra tại 2 trạm thu phí trên tuyến chính là Thân Cửu Nghĩa và An Thái Trung. Đơn vị vận hành đã tổ chức điều tiết giao thông, phối hợp lực lượng chức năng điều tiết, hướng dẫn cho các xe qua trạm, tuy nhiên do lưu lượng quá lớn nên chỉ làm giảm phần nào mức độ tắc nghẽn chứ không hoàn toàn triệt để.
Sau thời gian vận hành thu phí thử nghiệm (không thu tiền), đơn vị quản lý vận hành và các bên liên quan sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá và kiến nghị các cơ quan chức năng của địa phương về cơ chế phối hợp để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trước khi đưa dự án vào thu phí chính thức. Theo quy định, nhà đầu tư sẽ thông báo công khai liên tục 5 ngày (trước thời gian thu phí chính thức) trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tại các trạm thu phí.
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận có chiều dài 51km, nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương), điểm cuối là nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè). Trên tuyến bố trí các trạm thu phí gồm: Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa, trạm thu phí Cai Lậy, trạm thu phí Cái Bè, trạm thu phí An Thái Trung, tất cả các trạm đều đã được lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC).
Hiện nay, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe theo thiết kế của Bộ Giao thông vận tải và theo đúng hợp đồng BOT đã ký. Tuy nhiên, do lượng phương tiện gia tăng quá nhanh, thiết kế được lập cách đây 13 năm không còn phù hợp, tuyến cao tốc sẽ nhanh chóng mãn tải, ảnh hưởng đến lưu thông trong thời gian tới. Vì vậy, việc nhanh chóng đầu tư giai đoạn 2 để giảm tải lưu lượng phương tiện trên tuyến là cần thiết, mặt khác sẽ kết nối đồng bộ với các tuyến cao tốc trong khu vực như: Mỹ Thuận-Cần Thơ, Cần Thơ-Cà Mau, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, An Hữu-Cao Lãnh,…
Các nội dung trên là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư đã đầu tư giai đoạn 1. Vì vậy, nhà đầu tư mong muốn các cơ quan chức năng liên quan sớm đồng thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 2, đồng thời truyền thông rộng rãi để người tham gia giao thông nhận thức việc trả phí khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc, được sử dụng các dịch vụ tương xứng và văn minh.
Theo Nhandan