Nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã và hộ nông dân chia sẻ, ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết, có rất nhiều đối tác nhập khẩu từ châu Âu đến đàm phán để mua hàng nông sản Việt Nam. Tiêu chuẩn mà các đối tác này thường áp dụng để đặt hàng DN, hợp tác xã và nông hộ tại Việt Nam cung ứng là theo chuẩn GlobalGAP.
Trước đó, các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài đã có nhiều cảnh báo về tình trạng lừa đảo trong hoạt động xuất khẩu. Nhiều đơn vị trong nước sau khi xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài không tìm được đối tác để yêu cầu thanh toán. Có DN nhờ tham tán thương mại truy tìm đối tác đã mua hàng nhưng không thể tìm ra do họ sử dụng địa chỉ “ma”.
Để tránh những rủi ro trên, theo các chuyên gia và nhiều DN đã có thâm niên xuất khẩu, khi làm ăn, luôn phải có ký hợp đồng rõ ràng. Quan trọng hơn, các hợp tác xã, DN, nông hộ trong nước nên đề nghị bên phía đối tác phải đặt cọc và có lộ trình thanh toán cụ thể.
Điều này sẽ tránh tình trạng phía bên đối tác bỏ hợp đồng giữa chừng hoặc có hành vi lừa đảo. Ngoài ra, nếu đối tác có cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón theo chuẩn GlobalGAP thì càng tốt để tránh nguy cơ đối tác từ chối nhận hàng với lý do không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ở chiều ngược lại, DN xuất khẩu, hợp tác xã và nông hộ cũng cần phải giữ uy tín khi giao hàng. Bởi không ngoại trừ trường hợp đến vụ thu hoạch nhưng năng suất trồng không đạt yêu cầu, kéo theo sản lượng thu hoạch thiếu hụt so với đơn đặt hàng của đối tác mà bổ sung thêm hàng không đạt chất lượng. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho chính đơn vị xuất khẩu mà còn làm mất uy tín ngành hàng và đặt ngành hàng này của ta trước nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gây tổn thất lớn cho hoạt động xuất khẩu nói chung.
Theo SGGP