Xây dựng Luật PTCN bảo đảm tính khả thi, dự báo về nguồn lực và giải pháp thực hiện – Ảnh: VGP/Lê Sơn
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, dự kiến Luật này quy định về các biện pháp phát triển công nghiệp Việt Nam thông qua liên kết ngành, chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; phân bố, tái phân bố, liên kết vùng trong phát triển công nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp; phát triển bền vững trong công nghiệp; phân công, phân cấp quản lý nhà nước trong công nghiệp.
Theo đó, dự thảo Luật PTCN đưa ra 6 chính sách lớn để lấy ý kiến góp ý tại Phiên họp, cụ thể: Định hướng phát triển công nghiệp; tăng cường liên kết ngành chuyên môn hóa theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp; thúc đẩy phân bố không gian công nghiệp, liên kết vùng trong phát triển công nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp; phát triển bền vững trong công nghiệp; thực hiện phân công, phân cấp trong phát triển công nghiệp.
Giáo sư Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ, không có nước phát triển công nghiệp nào mà không có một đạo luật về phát triển công nghiệp, trong khi đó nước ta đã định hướng xây dựng sự nghiệp công nghiệp hóa suốt nhiều năm mà chưa có đạo luật về công nghiệp, do vậy việc xây dựng Luật PTCN là rất cần thiết.
Cùng đưa ra ý kiến về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp Lê Thủy Trung (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu rõ, mặc dù nước ta chưa có đạo luật về phát triển công nghiệp, nhưng đã có các văn bản điều chỉnh như các Chiến lược về phát triển công nghiệp, Quy hoạch phát triển ngành… Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp hiện được quy định rải rác tại nhiều văn bản luật khác nhau như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa … Do đó, việc xây dựng đạo luật về phát triển công nghiệp là rất cần thiết, đồng thời rà soát thật lỹ lưỡng để tránh chồng chéo với các văn bản hiện hành.
Các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến sự cần thiết xây dựng Luật; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, tính dự báo, điều kiện về nguồn lực, giải pháp để thực hiện, tính tương thích của chính sách với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trên cơ sở các ý kiến tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật PTCN. Ông Hiếu cho rằng, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã nêu rất rõ về phát triển nền công nghiệp quốc gia. Nền công nghiệp Việt Nam trong thời gian qua cũng có nhiều lúc thăng trầm, chưa nhất quá. Vì vậy, việc xây dựng luật lần này phải khắc phục được các khó khăn, vướng mắc.
Về phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng lưu ý cần làm rõ hơn, phạm vi điều chỉnh phải xác định phù hợp hơn với tên gọi, đồng thời tiếp tục rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật khác để tránh chồng chéo, trùng lắp.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị tiếp tục rà soát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quy định trong luật. Trong xây dựng chính sách cần cố gắng có những đột phá, cụ thể, tránh quy định chung chung. Đồng thời tiếp tục rà soát kỹ các chính sách, vấn đề nào đã được quy định trong các luật khác thì không quy định lại trong luật này. Kể cả các chính sách liên quan đến phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành để tránh chồng chéo trong các quy định của Luật về chức năng nhiệm vụ.
Theo Báo Chính phủ