Tính chất bổ sung cho nhau
Theo Đại sứ Đỗ Minh Hùng, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Israel trong những năm gần đây phát triển tốt đẹp.
Mặc dù quy mô thị trường không lớn với dân số khoảng 9,3 triệu người, nhưng Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
Kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng gia tăng kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, từ mức 1,16 tỷ USD năm 2019 lên 1,58 tỷ USD năm 2020, và đạt 1,05 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay.
Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính chất bổ sung cho nhau. Xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Israel gồm điện thoại di động và linh kiện, nông thủy hải sản, dệt may, giày dép, thiết bị điện tử gia dụng…
Hai bên hiện đang nỗ lực mục tiêu sớm hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định thương mại tự do song phương (VIFTA), qua đó sẽ tạo cú hích đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Đại sứ Đỗ Minh Hùng đánh giá rằng các doanh nghiệp Israel làm ăn bài bản, nghiêm túc, ngày càng quan tâm tới thị trường và đối tác Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp hàng hóa ổn định quan trọng.
Tuy nhiên, Đại sứ Đỗ Minh Hùng cũng lưu ý rằng do Israel là đất nước có đặc trưng tôn giáo nên thông thường, đối với các doanh nghiệp Israel khi nhập khẩu hàng hóa thực phẩm thường đòi hỏi phải có chứng nhận Kosher, đối với các doanh nghiệp Arab đòi hỏi phải có chứng nhận Halal. Đây là hai loại chứng nhận mang tính chất tôn giáo, tương ứng với đạo Do Thái và đạo Hồi.
Đại sứ Đỗ Minh Hùng gặp ông Ohad Cohen, Cao uỷ thương mại (Bộ Kinh tế Israel) hồi tháng 6, để thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương (VIFTA). (Nguồn: ĐSQ VN tại Israel)
Bên cạnh đó, Israel áp dụng hầu như theo các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và thực hiện kiểm tra, kiểm soát khá nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Israel cần lưu ý tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu nói trên để tránh bị từ chối hoặc bị yêu cầu tái xuất”, Đại sứ Đỗ Minh Hùng nhấn mạnh.
Thế mạnh công nghệ cao
Đổi mới sáng tạo là một trong những động lực quan trọng giúp Israel với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế trở thành một quốc gia đi đầu thế giới về các giải pháp công nghệ.
Israel dẫn đầu thế giới về tỷ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu phát triển (R&D), số chuyên gia, nghiên cứu trên 1 triệu dân, là nơi tập trung của hàng trăm trung tâm R&D của các công ty đa quốc gia như Google, IBM, Intel, Microsoft, Apple, GE…
Tỷ trọng GDP của ngành công nghệ cao của Israel đã tăng từ 10% (2000) lên 15% (2020), thị phần ngành công nghệ cao trong xuất khẩu của Israel ở mức 43% (tương đương gần 50 tỷ USD).
Các ngành công nghệ cao thế mạnh của Israel bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), an ninh mạng (Cybersecurity), công nghệ tài chính (Fintech), y tế sức khoẻ và các ngành khoa học đời sống (life sciences), công nghệ về quản lý nước và nông nghiệp thông minh.
Theo Đại sứ Đỗ Minh Hùng, trong thời gian qua, hợp tác Việt Nam-Israel trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã có nhiều thành tựu như việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của công ty Netafim ở nhiều nơi trong cả nước, công nghệ nuôi tôm đơn tính ở An Giang, công nghệ nuôi bò sữa của Afimilk tại dự án trang trại của TH True Milk…
Với chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về chủ động tham gia Cách mạnh công nghiệp 4.0 và đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo như là động lực của phát triển trong giai đoạn mới, Đại sứ Việt Nam tại Israel nhận định rằng hai nước sẽ càng có điều kiện đẩy mạnh hợp tác về đổi mới sáng tạo, công nghệ cao.
Để khai thác được thế mạnh của Israel về công nghệ cao và nâng cao hiệu quả hợp tác, Đại sứ Đỗ Minh Hùng đưa ra lời khuyên rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong tìm hiểu thông tin về đối tác và thị trường, làm rõ về nhu cầu, thế mạnh của hai bên, nhất là hiểu về tư duy, cách làm kinh doanh thực dụng của người Israel để từ đó có thể thúc đẩy hợp tác “lợi cả đôi bên”.
Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng đã gặp làm việc với Cục trưởng Lãnh sự Eyal Siso vào tháng 6 để thúc đẩy đàm phán hiệp định lao động. (Nguồn: ĐSQ VN tại Israel)
Nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên
Đại dịch Covid-19 đang đặt ra nhiều thách thức cho việc triển khai công tác đối ngoại, trong đó có công tác ngoại giao kinh tế.
Thêm vào đó, địa bàn Israel còn có những khó khăn đặc thù như khủng hoảng chính trị kéo dài trong hai năm qua, bất ổn và căng thẳng thường xuyên về an ninh – xã hội, đỉnh điểm là xung đột bạo lực giữa Israel và lực lượng Hamas hồi tháng 5 vừa qua.
Đại sứ Đỗ Minh Hùng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Israel luôn coi trọng công tác ngoại giao kinh tế, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên nhằm khai thác các thế mạnh trong quan hệ giữa hai nước.
Trong bối cảnh mới, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel xác định phương châm phải chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong công tác ngoại giao kinh tế.
Chủ động, sáng tạo để đổi mới tư duy nhằm nhận diện, xác định các cơ hội mới và linh hoạt nhằm đổi mới cách làm, tận dụng từng cơ hội dù nhỏ nhất.
Chính vì vậy, Đại sứ quán tiếp tục duy trì các động lực quan trọng trong quan hệ kinh tế – thương mại hai nước, thúc đẩy thành công các vấn đề chính sách như sớm kết thúc đàm phán thỏa thuận thương mại tự do, khởi động đàm phán hiệp định lao động.
Đại sứ Đỗ Minh Hùng gặp giáo sư Nadir Arber tháng 8 vừa qua, để thúc đẩy hợp tác về thuốc Exo-CD24 điều trị Covid-19. (Nguồn: ĐSQ VN tại Israel)
Theo Đại sứ Đỗ Minh Hùng, Đại sứ quán đặc biệt coi trọng công tác ngoại giao vaccine, nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước về công tác phòng chống đại dịch, nắm bắt, báo cáo kịp thời về các giải pháp y tế mới, tích cực kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị trong nước với các cơ quan của Israel về nghiên cứu phát triển các giải pháp y tế mới như vaccine, thuốc điều trị Covid-19.
Đại sứ Đỗ Minh Hùng bày tỏ: “Thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế tại địa bàn, Đại sứ quán hy vọng có thể góp một phần nhỏ bé nhằm thực hiện hóa ‘mục tiêu kép’ của Đảng, Chính phủ trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước”.
Theo Báo Thế giới và Việt Nam