Cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp ở Phúc Thọ

Hạ tầng giao thông tại huyện Phúc Thọ được đầu tư xây dựng khang trang. (ẢNH: QUỐC TOẢN)

Tổ chức sản xuất hợp lý, phát triển các khu công nghiệp làng nghề theo quy hoạch, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân tiếp tục là những nỗ lực của người dân và chính quyền huyện Phúc Thọ, Hà Nội, sau gần một năm nhận quyết định đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, để các cụm công nghiệp nhanh chóng đi vào hoạt động, giảm ô nhiễm môi trường, rất cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại địa phương.

Những kết quả ấn tượng

Năm 2021 dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) ước đạt 13.385 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 6,3% so với năm trước. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành dịch vụ là 5%; công nghiệp xây dựng tăng 8,3%; nông, lâm, thủy sản tăng 4,2%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản tiếp tục có sự tăng trưởng, nhiều sản phẩm công nghiệp, làng nghề đạt mức tăng trưởng khá, như: Cơ kim khí tăng 14,6%/năm, chế biến lâm sản, đồ mộc tăng 18%/năm, sản phẩm may mặc tăng 8,5%/năm; chế biến lương thực, thực phẩm tăng 5%/năm…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, năm 2021, Phúc Thọ thực hiện đạt và vượt 20 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Hội đồng nhân dân huyện giao.

“Huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí cũ; hộ cận nghèo giảm, còn 93 hộ, chiếm tỷ lệ 0,18%”, đồng chí Nguyễn Đình Sơn dẫn chứng.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, đồng chí Nguyễn Đình Sơn cho biết, huyện sẽ tập trung vào công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên; mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn.

Đáng chú ý, theo đồng chí Nguyễn Đình Sơn, huyện sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp để dịch chuyển các cơ sở sản xuất tiểu thủ công tại các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường sống của người dân, phòng tránh các nguy cơ về cháy nổ.

Việc dịch chuyển các cơ sở sản xuất vào các cụm công nghiệp còn tạo điều kiện phát triển bền vững cho các cơ sở này nhờ khả năng kết nối hạ tầng đồng bộ, thuận tiện cho công tác vận chuyển, xuất nhập hàng hoá.

Đồng chí Nguyễn Đình Sơn cũng cho biết, trong việc triển khai xây dựng các cụm công nghiệp, giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó nhất. Vì vậy, ​Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Nỗ lực giải phóng mặt bằng

Trao đổi về công tác giải phóng mặt bằng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, công tác giải phóng mặt bằng của Phúc Thọ được thực hiện theo đúng hướng dẫn và quy định của pháp luật.

Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng theo bốn bước: (i) Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; (ii) Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (iii) Quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường; (iv) Quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng.

Trong đó, tại bước xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, huyện luôn chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, nhất là cấp xã tham gia tuyên truyền, đối thoại, vận động đến nhân dân để thực hiện tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.

“Chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Công khai đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất, tài sản trên đất bị thu hồi toàn bộ các cơ sở pháp lý, các văn bản liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư cho 6 doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp Tam Hiệp, Nam Phúc Thọ, Liên Hiệp, Thanh Đa, Long Xuyên, Võng Xuyên với tổng số vốn gần 2.000 tỷ đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, trong 6 cụm công nghiệp nêu trên, đã tiến hành giải phóng mặt bằng 100% của 3 cụm, số cụm còn lại cũng đang ở mức cao.

“Trong quá trình giải phóng mặt bằng, lúc đầu, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng qua quá trình đối thoại, vận động, giải thích rõ các quy định của pháp luật, người dân đã phối hợp để công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi”, đồng chí Tuấn kể.

Theo đồng chí Nguyễn Đình Sơn, bên cạnh việc tuyên truyền vận động, huyện cũng đồng thời xây dựng hồ sơ song song cho cả phương án cưỡng chế nhằm tránh việc triển khai dự án quá lâu, ảnh hưởng đến dòng vốn của nhà đầu tư, đồng thời huyện cũng yêu cầu các nhà đầu tư cam kết không huy động vốn trước khi nhận bàn giao mặt bằng.

“Vì vậy, đến nay số hộ bị thi hành phương án cưỡng chế là rất thấp và cũng là điểm sáng của Phúc Thọ trong công tác giải phóng mặt bằng thời gian qua”, đồng chí Nguyễn Đình Sơn nói.

Giai đoạn 2016-2021, huyện Phúc Thọ tổng số dự án cần thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 76 dự án; tổng diện tích thu hồi là 128.411 ha; số hộ bị ảnh hưởng là 3.084 hộ. Trong đó, huyện Phúc Thọ đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng của 66 dự án; số dự án đang thực hiện là 10 dự án; tổng số tiền đã chi trả là hơn 550 tỷ đồng.

Để cải thiện môi trường sống cho người dân

Về thăm cụm công nghiệp Thanh Đa thuộc thôn Phú An xã Thanh Đa -một trong các cụm công nghiệp đang tiến hành giải phóng mặt bằng của huyện Phúc Thọ –  đây là cụm công nghiệp được quy hoạch nhằm di dời các cơ sở sản xuất gỗ ra khỏi khu dân cư. Cụm công nghiệp Thanh Đa có tổng quy mô khoảng 10 ha trong đó quy mô giai đoạn 1 là 8,3 ha.

Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Đa, cho biết, toàn xã có khoảng 340 cơ sở sản xuất đồ mộc, cửa hàng vật liệu tủ bếp, chế biến gỗ đang hoạt động, đã giải quyết được công ăn việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

“Năm 2021, ước tính tổng thu giá trị về từ nghề tiểu thủ công nghiệp đạt 220 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng thu của xã. Tuy nhiên việc gia tăng sản xuất trong khu dân cư cũng đã dẫn đến hệ luỵ không tốt về môi trường. Ô nhiễm không khí, tiếng ồn và ô nhiễm nguồn nước đang trở thành vấn đề nóng tại địa phương. Do đó, xã mong muốn cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động để người dân ổn định sản xuất và có môi trường sống được cải thiện”, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh nói.

Anh Nguyễn Văn Chính, một người dân có cơ sở sản xuất thuộc thôn Phú An, cho biết, từ khi biết có dự án cụm công nghiệp triển khai trên địa bàn xã anh rất phấn khởi và mong muốn cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động để cải thiện môi trường sống người dân của thôn.

“Nhà tôi có trẻ nhỏ, nên rất mong muốn cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động để các cơ sở sản xuất gỗ nội thất sớm được di dời, giảm những tác động môi trường đến sức khỏe của trẻ con”, anh Chính chia sẻ.

Anh Chính cũng cho biết, bản thân muốn đặt cọc tiền thuê xưởng trước với chủ đầu tư do số lượng xưởng trong cụm công nghiệp ở giai đoạn 1 chỉ có 100 xưởng rất thấp so với 340 xưởng tiểu thủ công của xã Thanh Đa. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn từ chối do chưa được bàn giao mặt bằng từ Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ.

Đánh giá về quy trình thực hiện giải phóng mặt bằng của cụm công nghiệp, đồng chí Nguyễn Tiến Quyền – Phó Bí thư Chi bộ thôn Phú An – cho biết, dự án đã thực hiện theo đúng trình tự, từ khâu niêm yết công khai đến tổ chức các hội nghị với các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất.

“Cùng với việc niêm yết tại nhà văn hóa thôn ở Ủy ban nhân dân xã, các thông tin của dự án cụm công nghiệp còn được phổ biến qua hệ thống đài truyền thanh của xã. Bà con rất vui mừng, phấn khởi và đón nhận, mong muốn việc giải tỏa mặt bằng ở cụm công nghiệp thực hiện dứt điểm để cụm công nghiệp chóng đi vào hoạt động, góp phần giảm bớt ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân có địa điểm sản xuất thuận lợi, phục vụ tốt hơn cho công tác sản xuất, kinh doanh”, Phó Bí thư Chi bộ thôn Phú An kể.

Với vai trò đại diện chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Thanh Đa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Long Biên Nguyễn Đức Thuận thông tin, đến thời điểm hiện tại Công ty luôn phối hợp với chính quyền huyện Phúc Thọ và xã Thanh Đa để triển khai công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi. Công ty cũng đã có văn bản cam kết với Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ không tiến hành huy động vốn trước khi nhận bàn giao mặt bằng.

Ông Thuận cũng bày tỏ mong muốn chính quyền huyện Phúc Thọ và xã Thanh Đa sớm bàn giao mặt bằng để công ty có thể bắt đầu triển khai dự án sớm, nhằm mang lại lợi ích cho người dân, cho công ty và địa phương.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, hiện cụm công nghiệp Thanh Đa đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng, huyện cũng đang tăng cường đối thoại và giải thích các quy định pháp luật cho người dân hiểu để phối hợp và đã có một số kết quả tích cực. So cuối năm 2021, số hộ phối hợp thực hiện công tác kiểm đếm đã tăng thêm 2 hộ, lên 76/78 hộ.

Đồng chí Nguyễn Đình Sơn cho biết, thời gian tới, huyện Phúc Thọ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đối thoại với người dân có đất bị thu hồi; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức; phối hợp chặt chẽ với các ngành, chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh và bảo đảm hoàn thành tiến độ thực hiện các dự án.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo