Giai đoạn 2020 – 2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút từ 2-2,5 tỷ USD vốn đầu tư các dự án FDI và 20-25 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư các dự án DDI.
Để hoàn thành chỉ tiêu, tỉnh đã, đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó có việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
“Soi mình” để tiến
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả PCI năm 2020 của Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 29/63 tỉnh, thành với 63,84 điểm, giảm 2,91 điểm và giảm 12 bậc so với năm 2019, không đạt được mục tiêu đề ra (mục tiêu nằm trong top 10 cả nước), thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá.
Trong tổng số 10 chỉ số thành phần, Vĩnh Phúc có 5/10 chỉ số giảm điểm và giảm thứ hạng, chỉ có 3/10 chỉ số tăng điểm và tăng thứ hạng.
Kết quả này cho thấy, các chỉ số thành phần chưa có sự ổn định, tốc độ cải thiện chậm, thậm chí không được cải thiện so với một số địa phương nằm trong top 15 tỉnh dẫn đầu. Các chính sách cải cách, đổi mới của tỉnh mặc dù có tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp nhưng còn thiếu chiều sâu và chưa thật sự đột phá.
Nguyên nhân được xác định là do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai, môi trường, thuế, thanh kiểm tra… còn chưa thống nhất, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng giải quyết, làm mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Số lượng cũng như chất lượng của các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo, cung ứng lao động, thông tin thị trường… còn hạn chế.
Cụ thể hoá Kế hoạch số 49/KH-UBND
Nhấn mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nội dung UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chính vì vậy Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phải nằm trong top 15 tỉnh, thành phố có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất trên cả nước.
Do đó, ngay sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố bảng xếp hạng PCI năm 2020 tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Từng sở, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch bắt tay ngay vào đánh giá cụ thể từng chỉ số thành phần, chỉ rõ những khâu còn vướng mắc, cam kết và đề xuất với UBND tỉnh giải pháp cải thiện để nâng thứ hạng từng chỉ số được giao trong năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, cụ thể hóa cho từng phần việc theo từng nhóm từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp, hệ thống tư vấn hỗ trợ để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Thực hiện tốt Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 08/3/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Coi cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Vĩnh Phúc tập trung quyết tâm cải thiện các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp, điểm số thấp. Tỉnh đặt mục tiêu phải tăng thứ hạng, tăng điểm của cả 10 chỉ số thành phần của PCI.
Cụ thể, chỉ số chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch Vĩnh Phúc sẽ nằm trong nhóm 10. Các chỉ số khác như tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, cạnh tranh bình đẳng nằm trong nhóm 20. Chỉ số đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố tốt nhất cả nước.
Ngoài ra, tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 đối với một số thủ tục hành chính, từ đó rút ngắn thời gian giải quyết, tạo sự minh bạch, giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, cung cấp kịp thời các thông tin nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu.
Mặt khác, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động, làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế…
Không chỉ vậy, Vĩnh Phúc còn áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất và triển khai các cơ chế tốt nhất về đất đai, hạ tầng, lao động. Các thủ tục hành chính về đầu tư, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực sẽ được công khai, minh bạch và đơn giản hóa…
Theo Diendandoanhnghiep.vn