Hội nghị thu hút sự quan tâm lớn của hơn 200 doanh nghiệp, 30 hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan trung ương và địa phương tham dự tại Hội trường và hàng nghìn doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tại 63 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc. Nhiền cơ quan, đơn vị truyền thông cũng đã đến đưa tin trực tiếp tại Hội nghị chính – điểm cầu Hà Nội.
Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận lớn.
Phiên 1: Công bố Báo cáo “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường: Một số kết quả từ Khảo sát doanh nghiệp năm 2020”.
Đây là Báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ của cơ quan Phát triển quốc tế Úc về trợ nguồn lực và sự hỗ trợ về chuyên môn của các Bộ ngành Trung ương.
Kết quả Báo cáo là trải nghiệm trực tiếp của gần 2000 doanh nghiệp có thực hiện hoạt động xây dựng công trình trong 2 năm gần nhất, trong số gần 10.200 doanh nghiệp phản hồi khảo sát của VCCI. Báo cáo đánh giá mức độ thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính phổ biến trong các dự án đầu tư xây dựng, từ việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến đăng ký chứng nhận sở hữu công trình xây dựng. Báo cáo cũng giúp nhận diện một số “điểm nghẽn” trong quy trình tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ cấp phép xây dựng hiện tại, đồng thời cố gắng đưa ra một ước lượng về chi phí thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra để hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng và đề xuất xếp hạng các địa phương về mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng để đảm bảo các tính chất tham chiếu, minh bạch và khách quan của Báo cáo.
Phiên 2: Nhận diện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan
Đối thoại với doanh nghiệp là hoạt động đã được Bộ Xây dựng duy trì qua nhiều năm, và là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Bộ, thể hiện mong muốn phục vụ, cầu thị và luôn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp đối với Bộ Xây dựng.
Qua nhiều lần tổ chức đối thoại trước, tiếp nhận phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, các hội, hiệp hội nghề nghiệp, Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, đã bãi bỏ 03 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 09 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 03 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 05 Nghị định, 07 Thông tư vào 02 Nghị định.
Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022, hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành Xây dựng, tạo ra sự đột phá trong nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của Ngành năm 2021, 2022.
Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh, doanh của Ngành, Bộ Xây dựng vẫn luôn nhận thức rằng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Nghị – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng trực tiếp tham dự hội nghị để lắng nghe doanh nghiệp đã nhận định tại Hội nghị: “Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh, doanh của Ngành, Bộ Xây dựng vẫn luôn nhận thức rằng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn.”
Qua phiên đối thoại, Bộ Xây dựng mong muồn nhận được những đánh giá khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh ngành Xây dựng cũng như các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng trên thực tế, làm cơ sở để Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội