Tham gia giải trình tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cuối buổi sáng 16-3, trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Đức Hiển (TPHCM) về hiện tượng dùng thương mại điện tử để buôn bán hàng lậu, hàng cấm, trốn thuế, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, số thu thuế từ dịch vụ xuyên biên giới, theo ông Phớc, đạt 1.317 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020.
“Ngành thuế những năm qua đã thu thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook nộp 1.694 tỷ đồng, Google nộp 1.618 tỷ đồng, Microsoft nộp 576 tỷ đồng. Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới. Ngày 21-3, Tổng cục Thuế sẽ khai trương cổng thông tin điện tử này để doanh nghiệp nước ngoài khi bán hàng xuyên biên giới có thể trực tiếp kê khai thuế, nộp thuế”, ông Hồ Đức Phớc thông tin. Cùng với việc xây dựng cổng thông tin, Bộ cũng có hướng dẫn nộp thuế ở môi trường mạng, sàn thương mại điện tử, mua bán online.
Người đứng đầu ngành Tài chính cũng đã tham gia làm rõ việc các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có găm hàng chờ tăng giá hay không. “Có thể có”, ông nói. “Chiết khấu xăng dầu về 0 thì người bán hàng sẽ không bán hàng ra, do không có lời”. Về dự trữ xăng dầu quốc gia, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, hiện nay chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Vì thế, cơ quan quản lý cũng không biết được 33 doanh nghiệp đầu mối trong kho có lượng hàng dự trữ quốc gia mà họ được giao dự trữ hay không.
Theo Bộ trưởng, giải pháp tới đây là lập hệ thống dự trữ quốc gia riêng, dự trữ thương mại riêng. Một trong số đó, có thể nghiên cứu thay đổi phương thức trích lập Quỹ bình ổn giá, chuyển từ tính bằng tiền sang dự trữ hàng để khi có tình huống xảy ra, có hàng cung ứng được ngay.
Theo SGGPO