Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Quy hoạch này đặt ra nhiều mục tiêu lớn. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố Quy hoạch đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Quy hoạch đường sắt) diễn ra chiều nay (1/11).

Về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% (trong đó, đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%).

Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 7,35 tỷ tấn.km, chiếm thị phần khoảng 1,38%; hành khách 13,8 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 3,55% (trong đó, đường sắt quốc gia 8,54 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 2,22%).

Về kết cấu hạ tầng, Quy hoạch mới đặt ra mục tiêu nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440 km; quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362 km.

Trong đó, triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam (Hà Nội-Vinh, Nha Trang-TPHCM), ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu, kết nối TPHCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km.

Trong đó, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TPHCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế.

Đồng thời, tiếp tục duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt, tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

“Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 là căn cứ, định hướng để Bộ GTVT tiếp tục tổ chức xây dựng các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đường sắt”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là lần đầu tiên 5 quy hoạch vận tải (hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải) được thực hiện đồng thời, trên cơ sở đánh giá vai trò, lợi thế của từng ngành vận tải.

Hiện, Chính phủ đã phê duyệt 3 quy hoạch ngành là Quy hoạch đường bộ, đường sắt và hàng hải. Quy hoạch đường thủy nội địa Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Riêng với quy hoạch hàng không, hiện đã thông qua hội đồng thẩm định, tiếp thu và báo cáo Chính phủ.

Riêng về Quy hoạch đường sắt, Bộ trưởng cho biết, quy hoạch mới hướng đến phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn nhằm phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài của phương thức vận tải này.

Đồng thời, quy hoạch cũng tập trung khai thác tối đa năng lực mạng đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại kết nối cảng biển cửa ngõ, các trung tâm kinh tế lớn.

Đặc biệt, với quy hoạch đường sắt, Bộ trưởng GTVT cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ về việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao.

“Đường sắt tốc độ cao là điểm mới hoàn toàn mà những quy hoạch trước đây chưa đưa ra. Trong nhiệm kỳ này, Bộ GTVT phấn đấu trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam để nhiệm kỳ này tập trung vào khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đặt mục tiêu tới năm 2028-2029 sẽ khởi công những gói thầu đầu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là Hà Nội-Vinh, Nha Trang-TPHCM”, Bộ trưởng nói.

Theo Chinhphu.vn