Bằng giải pháp trúng, mạnh, nhanh, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng tốc phát triển từ năm 2022

Một góc TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Getty)

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân vừa có bài viết “Khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19: Bằng giải pháp trúng, mạnh, nhanh, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng tốc phát triển từ năm 2022”. Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Giáo sư.

I. Hậu quả nặng nề và đặc thù của đại dịch Covid-19

* Kinh tế TP Hồ Chí Minh suy giảm tăng trưởng chưa từng có:

Tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2019 đạt khoảng 7,8%, năm 2020 là 1,36% và năm 2021 ước -5%. Tức là quy mô tổng sản phẩm nội địa của thành phố năm 2021 chỉ bằng khoảng 96,3% của năm 2019. Giá trị kinh tế thành phố tạo ra năm 2021 (GRDP) nhỏ hơn 3,7% so với năm 2019 (giá so sánh).

Nếu kinh tế thành phố không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở Việt Nam và thế giới, với tốc độ tăng trưởng giả định 2 năm 2020 và 2021 là 8%/năm (thấp hơn mức bình quân 8,27%/năm của giai đoạn 2016-2019), thì GRDP của thành phố năm 2021 sẽ lớn hơn GRDP năm 2019 là 16,6%. Như vậy, giá trị GRDP của thành phố bị mất đi do đại dịch năm 2021 bằng khoảng 20% GRDP năm 2019 (3,7% + 16,6%), tương đương 268.000 tỷ đồng (khoảng hơn 11 tỷ USD).

* Việc người dân, người lao động và hoạt động vận tải hàng hóa bị hạn chế hoặc cấm trong thời gian dịch 4 tháng qua (6 – 9/2021) đã làm cho 80% lao động thành phố (hơn 3,7 triệu người) bị giảm hoặc mất thu nhập. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ở TP Hồ Chí Minh đã có khoảng 300.000 người lao động trở về các tỉnh do dại dịch (Vnexpress, 15/10/2021), như vậy chiếm khoảng 6% lao động ở thành phố.

* Qua 4 tháng đại dịch, thành phố có hơn 427.000 người mắc Covid-19, chiếm khoảng 48% tổng số người nhiễm của cả nước (892.000) và thật đáng tiếc có hơn 16.500 người chết vì Covid-19, chiếm 75% tổng số người chết của cả nước. Những người đã nhiễm và thân nhân của người đã mất có thể sẽ chịu cả những ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe và tinh thần.

Như vậy, thực tế sau 4 tháng đại dịch Covid-19 (6 – 9/2021), TP Hồ Chí Minh là tâm dịch lớn nhất cả nước (chiếm gần 1/2 tổng số người nhiễm cả nước và 3/4 tổng số người chết vì Covid-19), thiệt hại kinh tế lớn nhất cả nước (quy mô kinh tế (GRDP) năm 2021 giảm 3,7% so 2019, giá trị GRDP bị mất so với trường hợp không có dịch là hơn 10 tỷ USD, tăng trưởng kinh tế năm 2021 khoảng -5%).

II. Bản chất kinh tế của suy thoái kinh tế toàn cầu do Covid-19 gây ra khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế khác

Sự suy thoái kinh tế toàn cầu và ở các nước do đại dịch Covid-19 đang gây ra không có nguyên nhân là sự tích lũy các yếu tố kinh tế bất lợi dẫn tới khủng hoảng kinh tế như: hoạt động của doanh nghiệp và các ngân hàng kém hiệu quả, đầu tư dư thừa làm cung vượt cầu, quan hệ thương mại quốc tế bị chính trị hóa, tỷ giá hối đoái bất hợp lý, thiếu hụt lao động gia tăng, kéo dài, nợ công gia tăng và vượt mức an toàn…

Trước khi nổ ra dịch Covid-19, từ 3/2020, nền kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam và TP Hồ Chí Minh đều bình thường. Chỉ khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, mà trước hết và chủ yếu là: hạn chế đi lại, giao thông vận tải, giao tiếp và hầu như cấm đi lại, giao thông vận tải và giao tiếp xã hội trong các đợt cách ly xã hội đã làm cho việc cung ứng các đầu vào cho quá trình sản xuất kinh doạnh bị sụt giảm mạnh (giảm cung xã hội), việc tiêu dùng xã hội và đầu tư giảm mạnh (giảm cầu), dẫn đến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc dừng hoạt động, người lao động phải làm việc thời gian ngắn lại hoặc nghỉ việc, mất việc làm.

Hậu quả là doanh nghiệp, người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập, không còn đủ dòng tiền để duy trì hoạt động của doanh nghiệp (trả tiền thuê đất và nhà xưởng, trả nợ ngân hàng đến hạn, trả lương cho người lao động làm việc ngắn hoặc phải nghỉ việc, trả chi phí cho việc phòng chống dịch ở doanh nghiệp…) và duy trì cuộc sống của người lao động, những người phụ thuộc (người lớn tuổi, không có bảo hiểm xã hội, không đi làm, trẻ em) vì không đủ tiền để trả tiền nhà, tiền thức ăn và sinh hoạt, tiền chăm sóc y tế…

III. Các giải pháp khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế – xã hội ở TP Hồ Chí Minh

Hậu quả trực tiếp của đại dịch Covid-19 là:

1. Hơn 427.000 người đã nhiễm, hơn 16.500 người đã mất (họ và gia đình họ phải gánh chịu tổn hại về sức khỏe, tinh thần, điều kiện sống bình thường có gia đình đầy đủ mẹ cha, con cháu). Cả năm 2020 đến 30/4/2021, thành phố chỉ có 261 người nhiễm và không có người chết vì Covid-19.

2. Cán bộ, nhân viên ngành y tế bị quá tải kéo dài, sức khỏe giảm sút, thu nhập ngoài lương bị mất trong quý III/2021 và khó phục hồi trong quý IV/2021.

3. Vẫn còn nguy cơ lây nhiễm và tái bùng phát dịch.

4. Ngành giáo dục đã nghỉ và dạy học trong điều kiện có dịch, chất lượng giảm sút, chi phí phòng dịch trong quý III/2021 và năm 2022 sẽ là gánh nặng tài chính cho các trường. Một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, thiếu tiền để phục hồi các hoạt động giáo dục.

5. Người lao động mất việc làm và thu nhập, khoảng 300.000 người lao động và gia đình ở TP Hồ Chí Minh đã phải về quê, tỷ lệ hộ nghèo tăng lên.

6. Hàng chục nghìn doanh nghiệp mất thu nhập, đã phá sản hoặc phải ngưng sản xuất kinh doanh, thiếu lao động, một số bị phạt vì vi phạm hợp đồng sản xuất kinh doanh, thậm chí mất hợp đồng cho thời gian tới, trong đó nổi bật là thiếu tiền để khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 (trả tiền thuê đất và nhà xưởng quý III và IV/2021, trả nợ đến hạn của quý III và quý IV; mua vật tư cho sản xuất kinh doanh quý IV/2021 và quý I/2022; chi phí tiền xét nghiệm cho người lao động và phòng dịch thường xuyên; trả lương cho người lao động khi doanh nghiệp chỉ hoạt động một phần công suất, cung cấp dịch vụ chỉ một phần năng lực của mình; trả tiền vận tải sản phẩm với chi phí đang tăng cao (đường biển)…).

7. Xuất phát điểm về quy mô và tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2022 bị chậm 2 năm so với kế hoạch (chưa đạt mức của năm 2019). Việc triển khai 4 chương trình phát triển thành phố giai đoạn 2021 – 2025 theo Đại hội 11 của Đảng bộ thành phố bị chậm 1 năm.

Mặc dù vậy, về tổng thể năng lực kinh tế của thành phố vẫn còn hầu như nguyên vẹn qua đại dịch Covid-19, không giống như thiệt hại do thiên tai, hay suy thoái, khủng hoảng do nguyên nhân kinh tế bên trong hay cú sốc bên ngoài gây ra.

1. Toàn bộ hệ thống giao thông, hạ tầng viễn thông, bưu chính, hạ tầng tài chính ngân hàng, hạ tầng năng lượng (điện, xăng dầu, khí), hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải còn nguyên vẹn.

2. Thiết bị máy móc, hệ thống thông tin quản lý của các cơ sở sản xuất kinh doanh còn nguyên (trừ thiết bị, máy móc ở các doanh nghiệp đã xin đăng ký giải thể, phá sản sẽ thay đổi chủ sở hữu).

3. Lực lượng lao động có tay nghề, chuyên môn đào tạo cao cơ bản còn nguyên vẹn (lao động ở thành phố đã về quê vừa qua chủ yếu là lao động giản đơn).

4. Hệ thống các siêu thị, cửa hàng, các chợ, các cơ sở kinh doanh cá thể còn nguyên.

5. Cơ sở vật chất của hệ thống y tế và giáo dục còn nguyên, trừ một số cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã phải đóng cửa, giải thể.

6. Cơ sở vật chất của hệ thống nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo còn nguyên vẹn

7. Các hợp đồng sản xuất, kinh doanh, quan hệ kinh tế của các doanh nghiệp, nhất là của các doanh nghiệp lớn và vừa, doanh nghiệp FDI cơ bản còn nguyên, một số rất ít có nguy cơ bị hủy hợp đồng có thể khắc phục được trong quý IV/2021 nếu các doanh nghiệp có đủ thanh khoản.

8. Ý chí vươn lên, tinh thần sáng tạo của đồng bào thành phố, của giới khoa học công nghệ, giới doanh nhân được tăng cường qua đại dịch Covid-19.

9. Quan hệ với các địa phương trong vùng được tăng cường trong đại dịch, quan hệ hợp tác và hữu nghị với các nước, các thành phố đối tác chủ yếu ở nước ngoài của thành phố vẫn được duy trì và sớm phục hồi trong quý IV/2021 và quý I/2022.

10. Chính phủ, các bộ, ngành đã quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện và hỗ trợ thành phố trong phòng, chống dịch. Tinh thần: thành phố vì cả nước, cả nước vì thành phố được khẳng định và tăng cường.

11. Hệ thống y tế, hệ thống chính trị và người dân thành phố qua hơn một năm rưỡi phòng, chống dịch Covid-19 đã có thêm nhiều kinh nghiệm, nhận thức và mô hình mới, hiệu quả hơn.

12. Hệ thống giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân đã sử dụng internet, các dịch vụ số với quy mô lớn hơn nhiều so với trước đại dịch, là tiền đề để đẩy nhanh quá trình số hóa kinh tế và xã hội TP Hồ Chí Minh.

Như vậy, nền tảng vật chất và tinh thần của TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm khoảng 23% GDP của Việt Nam và đóng góp khoảng 27% thu ngân sách cả nước), là một trung tâm đổi mới sáng tạo lớn của đất nước (Năng suất lao động của thành phố cao hơn 2,5 lần bình quân cả nước, số doanh nghiệp mới được thành lập hàng năm bằng 30% của cả nước, số doanh nghiệp khởi nghiệp chiếm gần bằng 50% cả nước) về cơ bản còn nguyên vẹn.

Có thể nêu một hình ảnh: đoàn tàu kinh tế của thành phố sau 4 tháng đại dịch vẫn còn nguyên đầu tàu và các toa xe, hệ thống đường ray còn nguyên, lái tàu và các trưởng toa còn nguyên, nhân viên phục vụ còn 94% (6% đã về quê), chỉ thiếu dầu diesel để chạy. Vì tàu đã không chạy 4 tháng nên không còn tiền để mua dầu và tạm ứng lương cho người lao động. Nếu cho vay tiền để mua dầu và trả lương 3 tháng, đoàn tàu sẽ chạy lại ngay, có tiền bán vé sẽ trả được nợ.

Từ 7 nhận định về hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với TP Hồ Chí Minh và rà soát 12 tiên đề vật chất, tinh thần, nền tảng kinh tế – xã hội, quan hệ vùng và quốc tế, có thể kết luận:

Các đánh giá về phát triển kinh tế – xã hội của thành phố giai đoạn 2015 – 2020, việc xác định mục tiêu, các yêu cầu và giải pháp để phát triển toàn diện kinh tế – xã hội thành phố giai đoạn 2021 – 2025, định hướng và tầm nhìn 2045 mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 đã xác định vẫn giữ nguyên giá trị, cần phải được tập trung, kiên trì thực hiện quyết liệt với sự bổ sung các yêu cầu và giải pháp mà thực tế phòng, chống dịch Covid-19 đã đặt ra cho ngành y tế, giáo dục và đào tạo và đòi hỏi phải tăng tốc đầu tư ngân sách và thu hút đầu tư tư nhân, FDI cho phát triển TP Thủ Đức và toàn thành phố nói chung (do việc triển khai các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố đã bị chậm khoảng 1 năm).

Như vậy, việc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 và phục hồi phát triển thành phố trong quý IV/2021 và năm 2022 có thể bao gồm nhóm 3 giải pháp sau:

A. Bổ sung 1 chương trình dài hạn và 3 chương trình ngắn hạn từ nhu cầu phòng, chống dịch của TP Hồ Chí Minh

* Chương trình dài hạn: Phòng dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm sản xuất kinh doanh và đời sống an toàn trong điều kiện bình thường mới (trên cơ sở cụ thể hóa và thường xuyên cập nhật từ kế hoạch 3066/KH-UBND của UBND thành phố về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9/2021).

* Chương trình ngắn hạn 1: Hỗ trợ 420.000 người đã nhiễm Covid-19 và gia đình 16.500 người đã mất vì Covid-19. Nếu hỗ trợ 420.000 người đã nhiễm Covid-19 mỗi người 2 triệu đồng và thân nhân của 16.500 người đã mất vì Covid-19 mỗi người 5 triệu đồng thì tổng kinh phí cho chương trình ngắn hạn 1 là 922,5 tỷ đồng.

* Chương trình ngắn hạn 2: “Bảo đảm nhân lực cho phục hồi kinh tế”: Hỗ trợ người lao động trở lại thành phố làm việc và bổ sung lao động thiếu, thực hiện trong quý IV/2021. Chi phí thực hiện chương trình: với số người lao động ở TP Hồ Chí Minh đã về quê khoảng 300.000 người, nếu mức hỗ trợ để trở về thành phố và trả tiền thuê nhà 1 tháng là 2 triệu đồng/người thì chi phí thực hiện là 600 tỷ đồng.

* Chương trình ngắn hạn 3: “Doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đủ nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất kinh doanh”: Hỗ trợ bảo đảm thanh khoản cho hầu hết các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu để phục hồi hoạt động, thực hiện trong quý IV/2021 và quý I/2022.

Cơ sở pháp lý: Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại khoản 2, điều 2 đã quyết định “Giao Chính phủ tiếp tục rà soát, thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức giảm chi phí đầu vào; nghiên cứu phương án hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên chi phí lao động, phương án sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh”.

Qua trao đổi với Cục Thống kê, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và các sở có thể đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất vay 3%, thế chấp bằng tài sản bảo đảm hoặc tín chấp, bảo đảm bằng dòng tiền bán hàng và thu dịch vụ sau khi vay, để bổ sung vốn lưu động, phục hồi hoạt động trong quý IV/2021 và quý I/2022.

* Hỗ trợ 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ (khoảng 175.000 doanh nghiệp) vay bình quân 5 tỷ đồng/doanh nghiệp, tối đa 15 tỷ đồng.

* Hỗ trợ 300 doanh nghiệp lớn vay từ 20 tỷ đồng/doanh nghiệp qua mua trái phiếu doanh nghiệp.

* Hỗ trợ 80% hộ kinh doanh cá thể (khoảng 171.000 hộ) vay 25 triệu đồng/hộ.

Tổng vốn vay hỗ trợ là 940.000 tỷ đồng, ngân sách chi để giảm 3% lãi suất vay là 28.200 tỷ đồng.

Tổng kinh phí cần để thực hiện 3 chương trình hỗ trợ ngắn hạn là: 29.723 tỷ đồng, tương đương 2,2% GRDP TP Hồ Chí Minh năm 2021 (1.323.261 tỷ đồng).

4 tháng qua, thành phố đã chi từ ngân sách 10.442 tỷ đồng (bằng 0,8% GRDP của thành phố năm 2021), đã tiếp nhận tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân 5.700 tỷ đồng (tiền mặt là 3.390 tỷ đồng và 2.310 tỷ đồng tiền đã mua vaccine), tổng giá trị là 16.142 tỷ đồng.

Như vậy, tổng kinh phí đã chi và sẽ chi từ ngân sách và vận động xã hội để phòng chống dịch và khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 sẽ là 45.865 tỷ đồng, tương đương 3,47% GRDP của thành phố năm 2021.

Kinh nghiệm từ hơn 80 nước trên thế giới năm 2020 và 2021 đã chỉ rõ, khi xảy ra đại dịch Covid-19, các chính phủ đã phải chi rất lớn từ ngân sách (qua nợ công) để cứu dân, người lao động khỏi thiếu đói và trở thành vô gia cư (không có khả năng trả tiền nhà), cứu doanh nghiệp khỏi phá sản. Bình quân, cứ 1% suy giảm tăng trưởng kinh tế thì họ chi 2% GDP cho phòng, chống dịch, hỗ trợ dân, hỗ trợ doanh nghiệp. Ở các nước thu nhập trung bình tỷ lệ hỗ trợ này là 1,7% GDP.

Vì vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2021 của tất cả các nước trên dự báo đều cao hơn năm 2020 rất nhiều, khoảng 1/3 các nước dự kiến tăng trưởng trở lại mức của năm 2019. Tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2020 (1,36%) đã giảm hơn 6% so với 2019 (7,8%), năm 2021 (-5%) tiếp tục giảm hơn 6% so 2020.

Đây là mức suy giảm tăng trưởng kinh tế 2 năm liên tiếp lớn chưa từng có trong lịch sử thành phố từ 1996 đến nay, đòi hỏi các biện pháp mạnh chưa từng có mới khắc phục nhanh được. Nếu tăng trưởng kinh tế ở các nước đó bị giảm 6% (như ở TP Hồ Chí Minh năm 2021 so với năm 2020) thì Chính phủ sẽ chi bình quân từ ngân sách 10% GDP.

B. Hoàn thành phê duyệt và triển khai trong quý IV/2021 18/49 đề án, chương trình thuộc 3 chương trình đột phá và chương trình trọng điểm phát triển thành phố giai đoạn 2021 – 2025 mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 đã thông qua:

* 4/11 đề án thuộc chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa (bổ sung các yêu cầu, giải pháp do phải thực hiện trong điều kiện bình thường mới).

+ Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn 2030.

+ Đề án phát triển Y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021 – 2030.

+ Đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2021 – 2030.

+ Đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành (Công nghệ thông tin – truyền thông, Cơ khí – tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Y tế, Du lịch, Quản lý đô thị) giai đoạn 2020 – 2035 và đại học chia sẻ.

* 8/14 đề án thuộc chương trình đột phá đổi mới quản lý TP Hồ Chí Minh

+ Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn 2026 – 2030 (đã trình Chính phủ, Quốc hội).

+ Đề án tổ chức Chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh (đang triển khai).

+ Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh (đang triển khai), Đề án hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2035 (1 tỷ USD đầu tư công cho hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế tri thức, thu hút 3 – 5 tỷ USD đầu tư của các doanh nghiệp).

+ Đề án hình thành và phát huy các hội đồng phát triển các ngành kinh tế giai đoạn 2020 – 2025 (đã thành lập được 7/11 hội đồng).

+ Đề án xây dựng Thành phố thông minh và Chương trình chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh.

+ Chương trình cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2025 (đang thực hiện).

* 3/13 đề án thuộc chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP Hồ Chí Minh

+ Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030.

+ Đề án phát triển ngành Logistic đến năm 2025, định hướng đến 2030.

+ Chương trình phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030.

* 3/13 đề án thuộc chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP Hồ Chí Minh

+ Đề án du lịch thông minh giai đoạn 2020 – 2030 (đang triển khai).

+ Chương trình liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giai đoạn 2020 – 2030 (đang triển khai).

+ Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh (2021 – 2022).

C. Phê duyệt trước 30/4/2022 và tổ chức triển khai 31/49 đề án còn lại thuộc 3 chương trình đột phá và chương trình trọng điểm phát triển thành phố giai đoạn 2021 – 2025 mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 đã thông qua

* 7/11 đề án thuộc chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa

+ Đề án tổ chức lễ hội và sự kiện TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030.

+ Chương trình nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020 – 2030…

* 6/14 đề án thuộc chương trình đột phá đổi mới quản lý TP Hồ Chí Minh

+ Đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

+ Đề án tổ chức Phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030…

* 10/13 đề án thuộc chương trình đột phá phát triển hạ tầng TP Hồ Chí Minh

+ Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2045 và kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030.

+ Đề án phát triển hạ tầng công nghiệp TP  Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020 – 2025.

+ Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 – 2030…

* 11/13 đề án thuộc chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm chủ lực TP Hồ Chí Minh

+ Đề án phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới.

+ Chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2020 – 2025.

+ Chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn giai đoạn 2020 – 2025 (đang triển khai)…

Căn cứ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của Chính phủ giai đoạn 2022 – 2025 và khả năng huy động vốn của thành phố qua vay bổ sung từ ngân sách trung ương hoặc phát hành trái phiếu thành phố, thành phố sẽ bố trí kinh phí cho các đề án, chương trình phát triển thành phố nói trên theo 2 giai đoạn: quý IV/2021 (4 chương trình bổ sung liên quan đến Covid-19 và 18 đề án, chương trình theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11) và quý I/2022 (31 đề án, chương trình còn lại).

Nếu trong quý IV/2021 và quý I/2022, thành phố có thể dành ngân sách 1.522,5 tỷ đồng để chi cho 2 chương trình ngắn hạn (lo cho 427.000 người đã nhiễm Covid-19 và gia đình của 16.500 người đã mất vì Covid-19; hỗ trợ 300.000 lao động đã về quê quay lại thành phố) và nhận được từ ngân sách Trung ương theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 28.200 tỷ đồng (qua các ngân hàng thương mại được chỉ định) để hỗ trợ khoảng 175.000 doanh nghiệp và 171.000 hộ kinh doanh cá thể có đủ thanh khoản để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh (có tiền để mua dầu cho đoàn tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh) trong quý IV/2021 và quý I/2022 thì từ quý III/2022, kinh tế thành phố sẽ tăng tốc phát triển.

Việc triển khai 18 đề án, chương trình phát triển thành phố trong quý IV/2021 và 31 đề án, chương trình trong quý I/2022 sẽ là nền tảng vững chắc để thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, xanh hơn, người dân hạnh phúc hơn, vì cả nước, cùng cả nước trong giai đoạn 2021 – 2030.

Giáo sư NGUYỄN THIỆN NHÂN – Báo Nhân dân 

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo