Với chiến lược phát triển thành tỉnh công nghiệp-dịch vụ, đến nay Bắc Ninh có gần 400 nghìn công nhân đang làm việc tại 12 khu công nghiệp (KCN) tập trung. Trong đó, có khoảng hơn 200 nghìn công nhân (phần lớn là công nhân ngoại tỉnh) có nhu cầu nhà ở. Xong, trong những năm gần đây số lao động đến làm việc tại các KCN tăng từ 20-30 nghìn người hàng năm, trong khi số lượng dự án nhà ở công nghiệp đáp ứng thấp so với nhu cầu.
Hiện tại, đại đa số người lao động phải thuê trọ trong các khu nhà ở trật trội với điều kiện sinh hoạt không được đảm bảo. Do vậy, nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội như: An ninh, môi trường, quá tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các khu dân cư xung quanh khu công nghiệp.
Việc xây dựng nhà ở cho công nhân KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trước đây còn nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp chưa được đồng bộ, thống nhất. Đặc biệt, về thiết kế kiến trúc, thiết kế đô thị trong các khu nhà ở công nhân còn nhiều hạn chế và tồn tại dẫn tới chất lượng thẩm mỹ kiến trúc chưa cao, không gian kiến trúc không thể hiện tính đặc trưng và làm mất đi nhiều không gian tự nhiên, văn hóa truyền thống.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, thời gian vừa qua tỉnh Bắc Ninh đã có rất nhiều điểm sáng về nhà ở xã hội như đã giảm bớt những thủ tục không cần thiết liên quan đến đấu thầu, giải phóng mặt bằng…, được người dân, doanh nghiệp đồng lòng ủng hộ. Tuy nhiên, hiện Bắc Ninh là một tỉnh công nghiệp có nhu cầu cao về nhà ở đối với công nhân, người lao động, để đánh giá việc ổn định hạ tầng, nơi ăn chốn ở cho người lao động để đảm bảo được hạ tầng, phát triển công nghiệp đồng bộ là rất lớn.
“Trong thời gian vừa qua, Cát Tường là một đơn vị có hơn 4.000 nghìn căn hộ nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp được cung cho thị trường Bắc Ninh. “Trong quá trình, thực hiện nhà ở xã hội hiện nay chúng tôi còn thấy một số vướng mắc về thủ tục, chính sách cần được tháo gỡ, như quy định dự án nhà ở xã hội chỉ được bán 80% và phải giữ lại 20% là cho thuê, theo đó các dự án nhà ở xã hội thì chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận là 10%.
Như vậy chủ đầu tư phải bỏ số vốn tồn đọng tại dự án là 10% trên 1 dự án có quy mô 1.000 căn hộ thì ước lượng rơi vào khoảng 100 tỷ đồng, như vậy nếu chủ đầu tư mà có nguồn lực vài trăm tỷ thì có thể làm được vài 3 dự án là hết vốn đầu tư dự án tiếp theo”- ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Bình Minh, lãnh đạo một công ty xây dựng nhà ở xã hội tại Bắc Ninh chia sẻ, việc duyệt giá bán, cho thuê và cho thuê mua nhà ở xã hội căn cứ vào dự toán lập tại thời điểm khi thiết kế bản vẽ thi công được cấp phép xây dựng và trong giá bán nhà doanh nghiệp bị khống chế lợi nhuận tối đa là 10%. Tuy nhiên nhà ở xã hội thường là chung cư cao tầng, thời gian xây dựng kéo dài từ 2 đến 3 năm nên có sự biến động về giá cả vật tư, vật liệu, nhân công khá nhiều.
“Trong khi giá bán nhà được tính phí lãi vay ngân hàng tuy nhiên trên thực tế các hộ dân mua nhà ở xã hội thường là những hộ nghèo, cận nghèo…. không đóng tiền đúng tiến độ theo hợp đồng, vì vậy doanh nghiệp sẽ phải huy động thêm vốn từ ngân hàng thương mại để đảm bảo tiến độ dự án nên làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp”- ông Minh cho biết thêm.
Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025 xây dựng lũy kế hơn 3 triệu m2 sàn nhà ở công nhân, diện tích bình quân 15 m2/người, đáp ứng cho hơn 200 nghìn người.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, để phát triển các dự án xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Sở đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp như: Mô hình quy hoạch, nguyên tắc quy hoạch, phát triển, quỹ đất dành cho nhà ở công nhân dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.
“Đến nay, sau 5 năm triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình công tác phát triển nhà ở xã hội đã thu hút 47 dự án nhà ở xã hội với quy mô 155,256 ha, trong đó có 13 dự án đã có công trình đưa vào sử dụng… Các dự án dự kiến khi hoàn thành đáp ứng cho khoảng hơn 5 triệu m2 sàn cho hơn 200 nghìn công nhân trên địa bàn tỉnh”- ông Dũng thông tin.
Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, bên cạnh những thuận lợi, hiện đang còn một số khó khăn, vướng mắc do lượng côn nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung tăng đột biến, do một số nhà đầu tư lớn như SamSung, Nokia, Canon, VS…tập trung mở rộng sản xuất, kéo theo nhiều nhà đầu tư khác. Dự báo trong những năm tới lượng công nhân còn tiếp tục tăng mạnh, trong khi việc thu hút đầu tư xây dựng nhà ở công nhân vẫn gặp nhiều khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, cơ chế, chưa thu hút được các nhà đầu tư.
“Để triển nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030, trên cơ sở nhu cầu cấp thiết về nhà ở. Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025 xây dựng lũy kế hơn 3 triệu m2 sàn nhà ở công nhân, diện tích bình quân 15 m2/người, đáp ứng cho hơn 200 nghìn người. Song với việc đầu tư xây dựng những dự án nhà ở đơn lẻ, Bắc Ninh đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu nhà ở, khu đô thị, các khu nhà ở xã hội tập trung, nhằm thu hút đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân với quy mô hàng chục ha được xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hướng tới thúc đẩy không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, thúc đẩy đô thị hóa hướng tới mục tiêu đáp ứng tiêu chí trở thành, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030”- ông Nguyễn Tuấn Dũng nhấn mạnh.
Theo VOV.VN