Bắc Kạn chuyển hướng thu hút đầu tư

Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Lechenwood tại Khu công nghiệp Thanh Bình. (Ảnh TUẤN SƠN)
Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Lechenwood tại Khu công nghiệp Thanh Bình. (Ảnh TUẤN SƠN)
Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Lechenwood tại Khu công nghiệp Thanh Bình. (Ảnh TUẤN SƠN)
Những năm trước, Bắc Kạn tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản với tham vọng tạo đột phá trong công nghiệp nặng của khu vực. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đình đám này không hiệu quả và để lại nhiều hệ lụy. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 tới nay, Bắc Kạn đã chuyển hướng mạnh thu hút đầu tư từ “nâu” sang “xanh”, trên nhiều lĩnh vực.

Trước đây, Khu công nghiệp Thanh Bình lấy trọng tâm là thu hút đầu tư cho công nghiệp chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, nhiều dự án hoành tráng, vốn lớn sau đó bị “đắp chiếu, trùm mền”, nhiều diện tích đất bỏ hoang, lãng phí.

Từ khi tỉnh Bắc Kạn mạnh dạn chuyển hướng sang thu hút công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khu công nghiệp này đã mang một diện mạo mới, sinh khí mới. Trong khu công nghiệp Thanh Bình hiện có các nhà máy chế biến gỗ, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu của một số doanh nghiệp hoạt động khá hiệu quả.

Hiện tại, đang có 7 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất ván ép công nghiệp; ván sàn Container-LVL; sản xuất ván gỗ dán,… đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp này. Lần đầu tiên từ khi đi vào hoạt động, Khu công nghiệp Thanh Bình cơ bản phủ kín diện tích, số lao động địa phương trong khu công nghiệp chiếm khoảng 80% với thu nhập bình quân hằng tháng đạt khoảng 6 triệu đồng/người.

Năm 2021, khu công nghiệp đạt sản lượng gỗ dán hơn 100.446m3; chế biến với gần 1.100 tấn mơ, gừng, kiệu, rau cải; 16.000 tấn bột đá thạch anh,… với tổng doanh thu hơn 1.030 tỷ đồng; đạt giá trị xuất khẩu hơn 32 triệu USD; nộp ngân sách hơn 28 tỷ đồng. Cũng từ năm 2021 tới nay, số lượng các nhà đầu tư đề xuất tài trợ quy hoạch, đề nghị khảo sát, nghiên cứu dự án du lịch, nhất là tại Vườn quốc gia Ba Bể và vùng lân cận tăng đột biến.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Rất nhiều nhà đầu tư lớn đã đề xuất khảo sát dự án tầm cỡ quốc gia về du lịch, đây là điểm mới ở Bắc Kạn. Toàn bộ các vị trí có thể giới thiệu cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, tỉnh đã nêu ra và kêu gọi, nhiều lĩnh vực trước đây Bắc Kạn chưa chú trọng, nay đã có những tín hiệu đáng mừng.

Tỉnh đã chấp thuận cho 5 nhà đầu tư tài trợ quy hoạch chi tiết khu đô thị mới tại thành phố Bắc Kạn và huyện Chợ Đồn. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư và đề nghị đầu tư xây dựng khu đô thị, trung tâm thương mại như Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Đầu tư Tây Bắc, Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings VN và Công ty cổ phần bất động sản HANO-VID,… Lĩnh vực thủy điện cũng tăng trưởng đột biến, với 7 doanh nghiệp xin thực hiện 11 dự án thủy điện; trong đó, một số dự án đã trình xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư như: thủy điện Nặm Cắt 2; thủy điện Mỹ Thanh; thủy điện Khuổi Thốc; thủy điện Pác Nặm,… Trong năm 2021 và đầu năm 2022, Bắc Kạn đã cấp chủ trương đầu tư 27 dự án với tổng mức đầu tư hơn 2.490 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, cả tỉnh có 172 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 16.077 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đinh Quang Tuyên cho biết: Hai trọng tâm trong phát triển kinh tế được Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn xác định trong nhiệm kỳ 2020-2025 là: Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường liên kết sản xuất; thu hút đầu tư vào du lịch và phát triển các cụm công nghiệp với trọng tâm công nghiệp chế biến nông, lâm sản,… Lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản vốn được coi là tiềm năng của địa phương, đã không được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Kạn ưu tiên là mũi nhọn kinh tế mà thay vào đó là hướng đi mới…”, đồng chí Đinh Quang Tuyên nhấn mạnh.

Sau gần hai năm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về chuyển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, rất nhiều phần việc lớn có tính chất nền tảng đã được Bắc Kạn triển khai.

Tỉnh đang tích cực hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn,… tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể được coi là đột phá cho du lịch. “Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh dành phần lớn vốn đầu tư công trung hạn để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ du lịch và công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Đây không chỉ là đột phá về thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách mà còn là hạ tầng cơ bản cho phát triển sau này”, đồng chí Đinh Quang Tuyên cho biết thêm.

Để “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, từ nay đến năm 2025, Bắc Kạn tập trung triển khai các dự án giao thông lớn, gồm: đường du lịch thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể; hạ tầng giao thông quanh hồ Ba Bể; phối hợp triển khai dự án đường cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn.

Năm 2022, tỉnh đầu tư cho 7 huyện, mỗi huyện khoảng 100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, du lịch. Theo lộ trình, đến năm 2025, Bắc Kạn sẽ hoàn thành cơ bản hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm, khu du lịch tiềm năng, trọng tâm là hồ Ba Bể. Trong danh mục 67 dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025, hầu hết là các dự án cụm công nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, du lịch,… chỉ còn lại 2 dự án thuộc lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản.

Tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu cho 2 dự án này là phải chế biến sâu, ra tới sản phẩm cuối cùng thay vì chỉ bán sản phẩm thô như các nhà máy hiện có. Cách làm mới của Bắc Kạn là “sớm đón đầu”, sớm xúc tiến, tạo điều kiện thu hút đầu tư, song song với triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Mục tiêu là khi hoàn thành quy hoạch, xây dựng xong các tuyến đường động lực thì nhà đầu tư có thể triển khai ngay dự án.

Mặc dù điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song với quyết tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 tỉnh Bắc Kạn có tiến triển đáng kể, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2020.

Để có kết quả trên, thời gian qua tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua các đại sứ quán, văn phòng cơ quan hợp tác quốc tế,… nhằm quảng bá, kêu gọi đầu tư. Mặt khác, địa phương cũng tăng tốc về sản xuất nông nghiệp, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, có sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; tạo vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên tới khoảng 100.000ha.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ tối đa từ bước khảo sát vị trí, tìm kiếm địa điểm, thành lập doanh nghiệp đến thủ tục cấp chủ trương đầu tư.

Tỉnh cũng chủ động đối thoại, tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Mặc dù vậy, khó khăn lớn nhất của Bắc Kạn chính là địa hình bị chia cắt lớn, quỹ đất với mặt bằng rộng cho nhà đầu tư xây nhà máy quy mô lớn rất thiếu. Khắc phục hạn chế này, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các huyện rà soát quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án.

Từ năm 2021, tỉnh đã đầu tư ngân sách xây dựng một số cụm công nghiệp ở các huyện, kêu gọi đầu tư vào 8 cụm công nghiệp để tạo mặt bằng “sạch” đón nhà đầu tư; phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ chiếm hơn 26%; dịch vụ chiếm 53%; công nghiệp và xây dựng chỉ còn hơn 18%,…

Với tinh thần cầu thị, quyết tâm phát triển kinh tế “xanh” bài bản, bền vững, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức nhiều đoàn học tập kinh nghiệm phát triển du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp tại Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam; đồng thời, nghiên cứu mô hình du lịch của tỉnh Tochigi (Nhật Bản) có địa hình tương đồng với Bắc Kạn. Theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh, học tập để phát triển nhưng phải tạo điểm nhấn riêng. Tỉnh xác định và chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số PCI, hỗ trợ tối đa nhà đầu tư để thu hút cao nhất vốn đầu tư ngoài ngân sách. Trong đó, du lịch sẽ là điểm nhấn với mục tiêu Bắc Kạn sẽ trở thành điểm đến tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo