Bà Rịa – Vũng Tàu ưu tiên phát triển công nghiệp xanh

KCN Đất Đỏ I tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

KCN Đất Đỏ I tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

                            KCN Đất Đỏ I tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

30 năm qua, ngành công nghiệp (CN) của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn cho kinh tế địa phương. Giai đoạn 2020-2025, tỉnh xác định phát triển kinh tế bền vững dựa vào CN, kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng theo hướng một nền CN xanh.

Gắn với phát triển công nghiệp năng lượng

Năm 1992, một năm sau khi thành lập tỉnh, ngành CN của Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu là các cơ sở sửa chữa tàu thuyền, chế biến hải sản sơ cấp và được đánh dấu với sự ra đời của ngành CN khai thác dầu khí. Từ chỗ chỉ có các cơ sở sản xuất CN nhỏ lẻ, phân bổ rải rác, đến nay tỉnh đã có 15 KCN tổng diện tích khoảng 8.511ha, trong đó có 13 khu CN đang hoạt động. Đến năm 2020, tổng diện tích đất đã cho thuê của 13 khu CN đang hoạt động là 3.235ha, tỷ lệ lấp đầy 65,66%; trong đó 2  KCN đã lấp đầy 100%. Có 495 dự án (DA) tại các KCN của tỉnh còn hiệu lực, trong đó đầu tư trong nước là 241 DA và đầu tư nước ngoài là 254 DA với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20 tỷ USD đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Tỉnh đã quy hoạch phát triển 17 cụm công nghiệp với tổng diện tích 552,65ha và đã có 6 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 64,22%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ cấu CN của tỉnh tương đối đầy đủ với sự có mặt của nhiều ngành nghề quan trọng như điện, khí, luyện kim, cơ khí, đóng tàu, hóa chất, vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón và nhiều ngành nghề khác. Trong đó đã hình thành nhiều nhà máy CN quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của tỉnh mà còn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia như: Trung tâm điện lực Phú Mỹ, DA khí Nam Côn Sơn, Nhà máy phân đạm Phú Mỹ, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam và nhiều cơ sở CN lớn khác.

TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách công thương (Bộ Công thương) đánh giá, Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để phát triển CN khi nắm giữ vai trò trung tâm khai thác và chế biến dầu khí lớn nhất Việt Nam, nơi đây chiếm khoảng 95% trữ lượng dầu mỏ, hơn 16% trữ lượng khí thiên nhiên và tập trung nhiều đơn vị đóng giàn khoan dầu khí, sửa chữa tàu thuyền; trong đó hoạt động chế tạo, đóng mới giàn khoan dầu khí phát triển mạnh góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước chế tạo được giàn khoan đạt chuẩn quốc tế. Tuy vậy, ngành CN của tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định như CN hỗ trợ chưa phát triển, cơ sở hạ tầng phát triển CN còn thiếu, nhiều DA chậm tiến độ.

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030 của cả nước, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII đã định hướng phát triển không gian kinh tế mới của tỉnh và các vùng phụ cận lấy sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải làm trung tâm; quy hoạch các khu vực đô thị Vũng Tàu, Bà Rịa, quy hoạch thị xã Phú Mỹ và một phần lớn huyện Châu Đức là vùng kinh tế logistics cảng biển và CN gắn với các hoạt động dịch vụ; mở rộng không gian phát triển CN – cảng biển – dịch vụ logistics ở khu vực phía Tây. Để có nguồn lực triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh đặc biệt chú trọng huy động vốn đầu tư từ các nguồn: doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư từ ngân sách, trong đó nguồn vốn ngân sách là thứ yếu.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, đặc biệt quan tâm công tác cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh kiên trì mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào tập đoàn kinh tế lớn, các DA có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, ưu tiên thu hút một số ngành có lợi thế của tỉnh như logistics, CN hỗ trợ về cơ khí chế tạo, không khuyến khích các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, thâm dụng lao động phổ thông, gây ô nhiễm môi trường.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 30 năm qua ở Bà Rịa – Vũng Tàu đạt khoảng 647.942 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, của doanh nghiệp và dân cư trong nước là chủ yếu với tổng vốn khoảng 550.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 84,5% và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 117.942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,5% tổng vốn đầu tư phát triển. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 412 DA đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 29,745 tỷ USD và đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo SGGP 

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo