Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cập nhật, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, trong năm 2021, Hải Phòng đã vươn lên vị trí dẫn đầu về  thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỉ USD (chiếm 16,9%). Thứ 2 là tỉnh Long An với 3,84 tỉ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước. TP.HCM đứng vị trí thứ 3 với gần 3,74 tỉ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư, giảm 14,2% so với cùng kỳ. Kế đó là Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội…

Chỉ tính riêng LG Display trong năm 2021 đã có 2 lần tăng vốn “khủng” tới 2,1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất TPHải Phòng. Với sự đầu tư này, công ty tăn sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 – 10 triệu sản phẩm/tháng lến 13 – 14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; nộp ngân sách thêm khoảng 25 triệu USD/năm, tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.

Ngoài LG Display, còn có nhiều doanh  nghiệp FDI khác tiếp tục tăng vốn tại Hải Phòng như Công ty TNHH Redina Miracle International Việt Nam tại KCN VSIP tăng vốn 100 triệu USD; Công ty TNHH Flat Việt Nam tại KCN Đình Vũ tăng vốn 75 triệu USD. Trước đó, doanh nghiệp này đầu tư 200 triệu USD để sản xuất kính năng lượng mặt trời, kính nổi và kính nội thất.

Tại lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh của LG Display, ông Suk Myung Su – TGĐ LG Display chia sẻ, 3 ngày hoàn thánh thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh trị giá 1,4 tỷ USD là một kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay. Đây là minh chứng rõ nhất tư duy đổi mới, sự cải cách mạnh mẽ và hiệu quả của BQL KKT Hải Phòng, các ngành, các cấp. Trước đó, tháng 2/2021, LG Display tăng vốn lần 1 trị gá 750 triệu USD cũng được làm thủ tục nhanh chóng, khẩn trương trong 5 ngày. Chính vì thế, năm 2021, LG Display nổi lên làm một “hiện tượng” về thu hút đầu tư của Hải Phòng khi có tới 2 lần tăng vốn “khủng”.

Trong cuộc làm việc với Ban Quản lý KKT Hải Phòng mới đây, ông Trần Lưu Quang – Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã chỉ ra những khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư mà Hải Phòng sẽ gặp phải trong thời gian tới khi phân tích các điều kiện thực tế và đặt Hải Phòng trong mối tương quan với các địa phương lân cận như: Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương…

Theo ông Trần Lưu Quang, Quảng Ninh với thế mạnh trong cải cách thủ tục hành chính, Thái Bình với khu kinh tế ven biển 3.000 ha và đang có lợi thế của người đi sau, khắc phục được điểm yếu của các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng hay Hải Dương vốn có truyền thống thu hút FDI và vị trí gần Thủ đô… Vì vậy, ngoài việc chủ động tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, Hải Phòng cần khắc phục ngay những hạn chế, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính… để phục vụ các nhà đầu tư.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh: “Nhà đầu tư đến, họ quan tâm 2 điều: Có lao động không, đặc biệt là lao động chất lượng cao; thái độ ứng xử của chính quyền. Chúng ta đang cần nhà đầu tư cho sự phát triển; tâm thế chung, nguyên tắc chung là chúng ta là người những người phụ vụ các nhà đầu tư. Về lao động, cần đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội để thu hút hơn nữa nhiều lao động tại các địa phương”.

Ông Bùi Ngọc Hải – Phó trưởng Ban quản lý KKT Hải Phòng cho biết, để chuẩn bị cho kế hoạch thu hút FDI năm 2022, KKT Hải Phòng tập trung chuẩn bị xây dựng các khu công nghiệp mới, chuẩn bị sẵn mặt bằng, quỹ đất, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Trước hết, tập trung cho các khu công nghiệp đã có quyết định thành lập để giải phóng mặt bằng, trong đó có giải phóng mặt bằng cho KCN Deep C3, các khu công nghiệp như VSIP, An Dương, mở rộng KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 để đủ quỹ đất, tạo ra thu hút đầu tư…

Theo Diendandoanhnghiep.vn