Những dấu ấn kinh tế nổi bật của Việt Nam

Hàng hóa được thông qua Cảng quốc tế Hải Phòng đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trong bài viết điểm lại những dấu ấn kinh tế nổi bật của Việt Nam trong năm 2021, hãng tin Nga Sputnik nhấn mạnh rằng, với nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng nể qua các giai đoạn khủng hoảng, mới nhất là đại dịch Covid-19.

Sputnik nhận định: Làn sóng Covid-19 thứ tư đã “phủ bóng đen” lên tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, với hàng loạt tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài và trên diện rộng, các doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Tuy nhiên, nổi lên là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế. Đặc biệt, với mức tăng trưởng GDP hơn 2%, thương mại 22,4%, Việt Nam lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài duy trì đà tăng, nhờ môi trường đầu tư an toàn và ổn định dù trong bối cảnh đại dịch.

Theo Sputnik, đây là kết quả của quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế trong việc triển khai nhanh chóng và linh hoạt các chính sách quan trọng, thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Sự bứt phá của nền kinh tế trong đại dịch có được cũng xuất phát từ một loạt nghị quyết, chính sách “chưa có tiền lệ” trong phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện một số biện pháp chưa được quy định, hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành, để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19; nghị quyết của Chính phủ mở đường cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh…

Năm 2021 ghi dấu mốc 15 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bứt phá với mức tăng trưởng ấn tượng, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 tăng hơn bảy lần so mức năm 2006, Việt Nam được công nhận là một trong số 50 nền kinh tế thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới. Hàng chục hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và đang được đàm phán đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở cao.

Trong bài viết, Sputnik cũng dẫn các kết quả xếp hạng, bình chọn của nhiều tổ chức quốc tế, đánh giá rất cao về nền kinh tế Việt Nam. Vị trí của Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ trong Báo cáo chỉ số “quyền lực mềm toàn cầu” năm 2021, do Brand Finance công bố, từ hạng 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam lọt tốp 10 thị trường đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số thị trường logistics mới nổi toàn cầu năm 2021, do hãng Agility chuyên cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới bình chọn. Thị trường chứng khoán Việt Nam lập kỷ lục chưa từng có về điểm số, thanh khoản và số tài khoản mới trong năm 2021.

Bài viết của Sputnik nêu rõ, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý và hiệu quả, phát triển nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và tạo xung lực bứt phá về cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chọi của nền kinh tế. Việt Nam cũng đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, khẳng định là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo