Công nhân Công ty may Tiên Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) may áo xuất khẩu.
Tuy chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19, nhưng nhờ chủ động phòng, chống dịch từ sớm, từ xa; các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp ở các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa nỗ lực sản xuất hàng xuất khẩu.
Điểm sáng xuất khẩu
Là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa xuất khẩu của tỉnh Hà Tĩnh, năm 2021, Công ty TNHH Hưng nghiệp và Gang thép Formosa Hà Tĩnh (FHS) sản xuất 6,4 triệu tấn phôi thép. Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Vũng Áng, giá trị các mặt hàng xuất khẩu của FHS trong năm 2021 đạt hơn 1,9 tỷ USD. Trong bối cảnh giá thép trên thế giới tăng phi mã, kết quả sản xuất của FHS không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép trong nước mà còn góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam và đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, Võ Tá Nghĩa cho biết, ngoài các mặt hàng truyền thống như thép, hàng dệt may, may mặc, chè… năm 2021, Hà Tĩnh đã khơi thông thêm luồng xuất khẩu mới bằng các sản phẩm OCOP sang thị trường châu Âu và Nhật Bản… góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Nguyễn Đức Trung cho rằng, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu trở thành điểm sáng khi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD, tăng 37,8% so với năm 2020 (vượt kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra ngay trong năm đầu thực hiện). Điểm sáng xuất khẩu là các nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử như: LUXSHARE-ICT, Emtech, MERY&LUXSHARE-ICT… thuộc các tập đoàn điện tử lớn của thế giới ở Khu công nghiệp VSIP Nghệ An đi vào hoạt động trong năm nay, đạt 213 triệu USD, so với 1,7 triệu USD cùng kỳ 2020. Bên cạnh đó, lĩnh vực dệt may của tỉnh Nghệ An tăng 34,9% so năm 2020 khi 24 dự án dệt may vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 cho hàng chục nghìn lao động vừa lo hoàn thành kế hoạch đơn hàng xuất khẩu, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu cũng tăng mạnh…
Bên cạnh sự hỗ trợ từ chính sách của Trung ương, của tỉnh, các doanh nghiệp ở các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng đã chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19 từ sớm, từ xa; đồng thời, đưa ra các giải pháp vượt khó trong lĩnh vực dịch vụ logistics để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Tại Khu công nghiệp Lễ Môn (Thanh Hóa), Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Xuất, nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa, Trịnh Thị Cúc cho biết: Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá cước vận tải biển tăng từ 6 đến 8 lần so cùng kỳ năm 2020, doanh nghiệp càng phải nỗ lực vượt khó, bảo đảm sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và EU để giữ khách. Ngoài tiết kiệm chi tiêu hành chính, cải tiến quy trình công nghệ, phát huy sáng kiến kinh nghiệm nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, chủ động đàm phán với đối tác chia sẻ 20% chi phí kho, bãi, vận tải biển tăng thêm; doanh nghiệp chấp nhận lỗ hoặc không có lãi trong thực hiện một số đơn hàng xuất khẩu, tiêu thụ hải sản truyền thống. Năm nay, kim ngạch xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp này đạt khoảng 28 triệu USD, tăng gần 3 triệu USD so năm 2020.
Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ngành Hải quan tỉnh Thanh Hóa tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tuyến, tạo điều kiện cho 150 doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, bạn hàng, kết nối sản xuất với tiêu thụ hay cùng chia sẻ khó khăn, vượt qua đại dịch Covid-19; tăng cường đối thoại hải quan-doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách; quyết liệt cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ. Tất cả các tờ khai xuất, nhập khẩu thực hiện trên Hệ thống thông quan điện tử, 243 thủ tục hải quan được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4…
Hiện, Thanh Hóa có 185 doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tăng 22 doanh nghiệp so với năm 2020; khai mở thêm 15 thị trường, theo đó, hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã vươn tới thị trường 87 nước trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng hơn 43% so cùng kỳ và vượt 39% kế hoạch. Qua đó, thu thuế xuất nhập khẩu đạt hơn 12,6 nghìn tỷ đồng. Đây là năm ngành Hải quan Thanh Hóa hoàn thành vượt mức, với số thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay.
Tạo đà bứt phá
Thực tiễn ghi nhận, các địa phương, doanh nghiệp khu vực Thanh-Nghệ-Tĩnh đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo ứng phó, vượt qua khó khăn lớn bởi đại dịch Covid-19, thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì, phát triển sản xuất, gia tăng sản lượng, khối lượng, giá trị hàng hóa xuất khẩu, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan, hiệp hội nghề nghiệp đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong thực thi các biện pháp, phương án bảo đảm an toàn để sản xuất, nhất là ưu tiên nguồn vắc-xin đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng phòng Covid-19 cho công nhân lao động. Kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, khôi phục trạng thái bình thường mới; đồng thời, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ tạo điều kiện cho công tác chỉ đạo, điều hành của các địa phương và hoạt động của doanh nghiệp. Chi nhánh VCCI cùng các tỉnh đẩy mạnh, tổ chức đa dạng phương thức quảng bá những sản phẩm, lợi thế của địa phương, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, nhất là kêu gọi đầu tư, kết nối đối tác, khách hàng trong, ngoài nước bằng hình thức trực tuyến.
Đồng chí Võ Tá Nghĩa cho biết thêm: “Thực hiện Đề án đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục chú trọng triển khai giải pháp về cơ chế chính sách, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực; thu hút, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nông sản chế biến, dịch vụ logistics gắn với xuất khẩu; phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các lợi thế từ FTA đã có hiệu lực, nhất là các sản phẩm mà tỉnh có lợi thế, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang một số thị trường, đặc biệt là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”.
Với vị trí địa kinh tế, lợi thế hướng biển, thuận lợi giao thương, phát triển đồng bộ các phương thức vận tải, đất đai dồi dào, lao động giá rẻ cùng các chính sách cởi mở, không ngừng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cục trưởng Cục Thống kê Thanh Hóa Nguyễn Mạnh Hiệp cho rằng: Năm 2022 nhiều doanh nghiệp dệt may ở các tỉnh phía nam chưa hoàn toàn phục hồi sản xuất, nhất là chuỗi cung ứng lao động; Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục sản xuất ổn định, sản lượng các sản phẩm dự báo đạt cao, sẽ có thêm dây chuyền sản xuất của Nhà máy xi-măng Long Sơn đưa vào hoạt động… Nhiều khả năng Thanh Hóa sẽ đạt tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa vượt trội so với năm 2021. Vấn đề đặt ra là tỉnh phải có chính sách hấp dẫn vượt trội, thu hút được các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài tỉnh xuất khẩu sản phẩm qua Cảng nước sâu Nghi Sơn nhằm biến thách thức thành cơ hội, tiềm năng thành động lực tăng trưởng.
Các tỉnh Bắc Trung Bộ đang tập trung khuyến khích doanh nghiệp hiện đại hóa dây chuyền, công nghệ, sản xuất hàng hóa giá trị, nâng cao hàm lượng chế biến, chế tạo, tăng năng lực cạnh tranh, giá trị xuất khẩu; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiệm cận các chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất hiện hành; tiếp tục kết nối chủ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với người lao động, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thuế, hải quan, đất đai, kiểm dịch, tháo gỡ “nút thắt” trong vận tải và dịch vụ logistics, kích thích tăng trưởng nguồn cung, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời hỗ trợ xây dựng, phát triển một số thương hiệu hàng hóa xuất khẩu, thúc đẩy chuyển đổi số, cập nhật thông tin, dự báo thị trường; đẩy mạnh tập huấn, đào tạo, tư vấn về thuế, tiếp cận thị trường, vận dụng có hiệu quả ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam là thành viên cùng môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện và xu hướng chuyển dịch các dòng vốn đầu tư giai đoạn hậu dịch Covid-19…
Theo Báo Nhân dân