Kinh tế Việt Nam “bật dậy” sau COVID-19

Các chỉ số sản xuất công nghiệp, tình hình đăng ký doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu…trong tháng 11 cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục trên đà phục hồi

Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020).

Kinh tế Việt Nam bật dậy sau COVID-19 - Ảnh 1.

         Chỉ số IIP tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng 10

Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng mạnh với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%).

Cụ thể trong tháng 11, cả nước có 11.902 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 149.900 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 76.600 lao động. Trong tháng 11, cả nước còn có 4.958 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,2% so với tháng trước.

Tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 105.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,454 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784.200 lao động.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực của COVID-19 với cộng đồng doanh nghiệp vẫn là rất lớn. Thống kê cho biết 11 tháng đầu năm có khoảng 106.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường – tương đương bình quân 9.700 doanh nghiệp đóng cửa trong mỗi tháng kể từ đầu năm.

Kinh tế Việt Nam bật dậy sau COVID-19 - Ảnh 2.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cho thấy sức mua của người dân đã phục hồi

Một tín hiệu tích cực khác của nền kinh tế là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 397.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước.

Ngoài ra, Việt Nam đã có tháng xuất siêu thứ 3 liên tiếp khi cán cân thương mại thặng dư khoảng 100 triệu USD.

11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm chủ đạo với 220,68 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2021 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%; EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%; ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%; Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%; Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.

Trong chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đầu năm ước tính đạt 299,45 tỷ USD.

Có tới 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 50,3 tỷ USD, tăng 20,3%; ASEAN đạt 37 tỷ USD, tăng 36,1%; Nhật Bản đạt 20,3 tỷ USD, tăng 10,1%; EU đạt 15,5 tỷ USD, tăng 18,2%; Mỹ đạt 14,2 tỷ USD, tăng 14,6%.

Tính chung 11 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD.

Cùng với đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn được duy trì ổn định với 26,46 tỷ USD tính từ đầu năm – tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế Việt Nam bật dậy sau COVID-19 - Ảnh 3.

CPI, lạm phát trong tầm kiểm soát

Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; các địa phương dần trở lại với trạng thái bình thường mới khiến giá hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,32% so với tháng trước.

Tuy nhiên tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Lạm phát cơ bản tháng 11tăng 0,11% so với tháng trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm nay chỉ tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo VTV.VN

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo