TP HCM: Nhiều doanh nghiệp hoạt động hết công suất để đáp ứng đơn hàng

Tại các khu công nghiệp và khu chế xuất (KCN, KCX) ở TP HCM, việc đầu tư sản xuất bắt đầu được khôi phục nhanh chóng và tích cực, trong đó nhiều doanh nghiệp có tỉ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100%. Nhiều nhà máy tăng tốc hoạt động hết công suất, đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa và giải quyết đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước.

Chiều 11/11, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và đại diện các sở, ngành Thành phố đã có buổi làm việc với Ban Quản lý các KCX và KCN TP HCM (Hepza) về công tác phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất.

Khôi phục sản xuất, hướng đến mở rộng đầu tư

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Hepza cho biết, đến thời điểm hiện nay, đã có 1.355 doanh nghiệp (DN) hoạt động (chiếm 96% số lượng 1.412 DN hoạt động khi chưa có dịch). Số lượng lao động làm việc trong các DN là 230.528 người, đạt 80% tổng số lao động trong điều kiện bình thường.

Các DN đã thích ứng dần với việc sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch theo hướng dẫn của bộ, ngành và cơ quan y tế. Việc đầu tư sản xuất bắt đầu được khôi phục nhanh, khả quan và tích cực, trong đó nhiều DN có tỉ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100%. Nhiều nhà máy tăng tốc hoạt động hết công suất, đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa và giải quyết đơn hàng cho đối tác trong và ngoài nước…

Tại các DN trong KCX-KCN, số lượng công nhân đã tiêm vaccine mũi 1 đạt tỉ lệ 98%; số lượng tiêm mũi 2 và F0 đã khỏi bệnh đạt tỉ lệ 94%, từ đó bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ việc khôi phục hoạt động sản xuất của DN trong điều kiện bình thường mới.

Về tình hình đầu tư tại KCX-KCN, ông Hưng cho biết, từ đầu năm đến tháng 10/2021, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh là 437 triệu USD, đạt 80% so với kế hoạch (550 triệu USD). Trong đó, kể từ ngày 1/10, khi Thành phố hết giãn cách, Hepza ghi nhận các DN thực hiện thủ tục điều chỉnh tăng vốn và liên hệ chủ đầu tư phát triển hạ tầng thuê thêm đất mở rộng sản xuất.

Một số nhà đầu tư FDI như dự án Pin Platinumđã làm việc với Hepza để tìm hiểu quy trình đầu tư, đặt vấn đề thuê đất, đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp mới với quy mô vốn tương đối lớn (trên 200 triệu USD), dự kiến thuê khoảng 15 ha đất tại KCN Tân Phú Trung.

Kiến nghị hỗ trợ nhu cầu nhà ở cho công nhân

Theo ông Hứa Quốc Hưng, hiện nay còn khoảng 20% lao động chưa trở lại sản xuất, trong đó phần lớn là lực lượng lao động của các DN dệt may, da giày. Do đó, Hepza đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ DN tìm kiếm, tuyển dụng nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Hepza cũng đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo ngành y tế có dự báo về khả năng phát sinh tình hình dịch trong ngắn hạn theo địa bàn và theo quy mô KCN để các DN nắm bắt tình hình và chủ động kế hoạch sản xuất.

Để sớm giải quyết một phần nhu cầu về nhà lưu trú của công nhân trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, hỗ trợ DN có nguồn lao động phục vụ sản xuất và phục vụ công tác phòng, chống dịch, Hepza đề xuất xây dựng tạm nhà lưu trú công nhân trên cơ sở có sự phối hợp chia sẻ của “3 nhà” (Nhà nước, nhà đầu tư – Công ty Phát triển hạ tầng KCX, KCN và các nhà đầu tư thứ cấp – DN sản xuất) trong KCX, KCN).

Hepza cũng kiến nghị các cơ quan chức năng Thành phố nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở cho công nhân lao động KCX, KCN trong pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở…

Tại buổi làm việc, các DN kiến nghị với Thành phố và ngành chức năng một số vấn đề như: Tăng các chuyến bay trong và ngoài nước để các chuyên gia và nhà đầu tư đi lại thuận lợi hơn; hỗ trợ xây dựng các khu lưu trú cho công nhân; thành lập trung tâm cách ly y tế, thu dung, đội y tế lưu động ngay trong KCX-KCN để DN yên tâm ổn định sản xuất khi có phát sinh các trường hợp mắc bệnh.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, Thành phố rất quan tâm, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhà ở trong thời gian ngắn hạn để có khu nhà lưu trú cho công nhân tốt, an toàn hơn khu nhà trọ đang ở. Cùng với đó, Thành phố sẽ làm theo quy trình, thủ tục chọn nhà đầu tư xây dựng. Hiện, UBND TP HCM và TP. Thủ Đức đang có chương trình này.

Với đề xuất tăng chuyến bay quốc tế, ông Dương Anh Đức cho biết Bộ Giao thông vận tải đã có lộ trình đến tháng 1/2022, sẽ mở lại nhiều chuyến bay quốc tế. Ngay khi được phép, TP HCM sẽ đáp ứng rất nhanh theo nhu cầu của DN, người dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, trong Thành phố hiện có tình trạng một số DN, khi công nhân bị nhiễm thì họ muốn “thoái thác trách nhiệm” bằng nhiều cách, thể hiện sự thiếu trách nhiệm, do đó, Hepza phải quy định rõ khi phát hiện F0 thì DN cần làm gì. Cùng với đó, Hepza cũng cần áp dụng công nghệ, phối hợp chặt chẽ với các DN để kiểm soát chặt chẽ F0.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý, tinh thần xúc tiến đầu tư không ở đâu xa mà phải bắt đầu từ chính những DN đã và đang đồng hành cùng Thành phố. Do đó, Hepza cần phải phối hợp chặt chẽ với các DN, đồng hành và hỗ trợ DN nhằm phục hồi và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên gửi lời cảm ơn tới các DN trong Hepza và khẳng định Thành phố luôn sẵn sàng đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn. Ông ghi nhận những tâm tư, tình cảm, kiến nghị của DN và cho biết sẽ có phương án xử lý phù hợp.

 

Theo Chinhphu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo