Cần Thơ: Nhiều giải pháp khắc phục sự thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp

Qua khảo sát, trong quý IV/2021 và những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp trên địa thành phố Cần Thơ sẽ cần tuyển thêm tới gần 22 ngàn lao động. Để giải quyết bài toán này, Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị định 68/NQ-CP và tổ chức kết nối cung – cầu lao động.
 

Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ

Toàn thành phố Cần Thưo có tổng số 11.128 doanh nghiệp với 149.316 lao động. Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19,  các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa  bàn Thành phố thực hiện tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”. Để duy trì sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp đã phải chi phí khá cao. Nhằm hỗ trợ kịp thời người lao động và người sử dụng lao động, thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/ NQ-CP.

Đến nay, Thành phố Cần Thơ đã có 3.650 đơn vị với 82.423 lao động đã được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (12 tháng) với hơn 27.849.640.000 đồng. Số đơn vị được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất là 10 đơn vị, có 2.180 người với hơn 13.812.680.000 đồng; Chi hỗ trợ cho 9.072 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, kinh phí hơn 33 tỷ đồng; Hỗ trợ 16 người lao động ngừng việc 16 triệu đồng; Hỗ trợ 29 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 107 triêu đồng (đạt tỷ lệ 100% theo số thống kê). Bên cạnh đó, cơ quan Bảo  hiểm xã hội Thành phố đã thực hiện hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg cho 56.304 người lao động với kinh phí hơn 136.368.000 đồng; Giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho 84.547 lao động với hơn 56.997.000.000 đồng. Đặc biệt, đến nay Thành phố Cần Thơ đã thực hiện cho 18 doanh nghiệp được vay vốn trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh với tổng số tiền trên 9,3 tỷ đồng và hơn 2.400 lượt người lao động được thụ hưởng. Qua đó, đã làm hạn chế phần nào những tổn thất của doanh nghiệp, tổn thương của người lao động trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Tính đến cuối tháng 10/2021, trên địa bàn Thành phố Cần Thơ đã có hơn 4.146 doanh nghiệp trở lại hoạt động, theo hình thức bình thường mới với tổng số lao động đang làm việc là hơn 39.676 người. Trong đó, lĩnh vực công thương – Xây dựng là 797 doanh nghiệp hoạt động với 2.145 lao động; Lĩnh vực thương mại – dịch vụ có 2.987 doanh nghiệp hoạt động với 17.683 lao động; Lĩnh vực nông nghiệp có 100 doanh nghiệp hoạt động trở có số lao động là 1.514 lao động. Còn lại, các doanh nghiệp chưa thể trở lại hoạt động do chưa đảm bảo việc tiêm đủ vaccine cho người lao động hoặc chưa kịp thời xây dựng phương án sản xuất an toàn theo quy định bình thường mới của Thành phố.

Kết nối doanh nghiệp và người lao động

 Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH Thành phố Cần Thơ, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi trở lên đã được bao phủ, với cơ chế thoáng, thuận lợi về đăng ký phương án hoạt động sản xuất, đi lại của người lao động theo sẽ có khoảng 80% doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Cần Thơ sẽ trở lại hoạt động vào cuối tháng 11/2021. Các doanh nghiệp hoạt động trở lại đều đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do tại Cần Thơ, thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, thành phố có khoảng 300.000 lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất và lao động tự do phải nghỉ việc, ngừng việc. Trong đó có khoảng 30.000 lao động tạm trú, đến từ các tỉnh lân cận đã tự phát di chuyển về quê, gây không ít khó khăn cho cả nơi đến và nơi đi, phát sinh nguy cơ làm mất cân đối cung – cầu lao động khi nền kinh tế từng bước được phục hồi. Cụ thể, theo khảo sát của Thành phố Cần Thơ, hiện các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại trên địa bàn đang thiếu hụt nhân công và cần tuyển dụng từ nay đến hết tháng 6/2022 là hơn 22.000 lao động. Tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu như dệt may, giày da, thương mại, dịch vụ như: Công ty TNHH Tae Kwang Cần Thơ cần 6.000 lao động, Nhà máy Vinatex Vĩnh Thạnh cần 3.000 lao động, Biti’s Cần Thơ cần 600 lao động, Công ty TNHH Kwong Lung cần 200 lao động, Công ty TNHH May Tây Đô cần 200 lao động,…

Về thực trạng thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX), đại diện Sở LĐ-TB&XH Thành phố Cần Thơ cho biết, hiện trên địa bàn có 33 doanh nghiệp FDI đang hoạt động với tổng số khoảng 16.000 lao động. Đến nay đã có 26 doanh nghiệp quy trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới với tổng số gần 5.000 lao động đang làm việc, chiếm tỷ lệ 30% tổng số lao động. Theo thống kê, khi các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong KCN-KCX trên địa bàn thành phố Cần Thơ hoạt động bình thường trở lại sẽ thiếu hụt khoảng 12.000 lao động. Nguyên nhân do số lao động nghỉ việc về quê chưa trở lại hoặc không trở lại và do nhu cầu phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều người lao động nước ngoài muốn nhập cảnh trở lại làm việc tại Việt Nam phải thực hiện hiện các thủ tục xin nhập cảnh và cách ly theo quy định pháp luật.

Thông tin về thực trạng dịch chuyển lao động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất,  lao động tự do Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ Trần Thị Thanh Mai cho biết, khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg trên địa bàn Thành phố Cần Thơ đã có khoảng 300.000 lao động trong các doanh nghiệp ngoài KCN- KCX và lao động tự do phải nghỉ việc, ngừng việc. Trong đó, có khoảng 30.000 lao động tạm trú, đến từ các tỉnh lân cận tự phát di chuyển về quê làm mất cân đối cung – cầu lao động khi nền kinh tế từng bước được phục hồi. Ước tính trong thời gian tới Thành phố Cần Thơ đã bước vào giai đoạn tái sản xuất, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả Covid-19, các doanh nghiệp ngoài KCN-KCX và các ngành nghề trên địa bàn sẽ bị thiếu hụt và cần tuyển dụng ngay khoảng 6.000 lao động.

Theo bà Trần Thị Thanh Mai – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố Cần Thơ cho biết, ngay từ khi dịch bệnh được cơ bản kiềm chế, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Thành phố Cần Thơ đã nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục sự thiếu hụt lao động, mất cân đối về nhân lực trong các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân lực. thực hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo của UBND Thành phố, Sở LĐ-TB&XH Thành phố Cần Thơ đã chủ trì phối hợp với sở, ngành  chuyên môn tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dung lao động với nhiều hình như tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm với quy mô, phương thức thích hợp phòng, chống dịch đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và nhu cầu việc làm của người lao động.

Sở LĐ-TB&XH Thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức phiên gia dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh thành Khu vực Đồng băng Sông Cửu Long và các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào ngày 29/10/2021. Tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến này đã có gần 200 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tuyển dụng hơn 31.000 lao động với đa dạng ngành, nghề và trình độ tay nghề. Tuy nhiên, tập trung là nhóm lao động có tay nghề trong lĩnh vực dệt may và da giày; điện – điện tử; nhân viên bán hàng và lao động phổ thông.

Song song với những hoạt động trên, Sở LĐ-TB&XH Thành phố Cần Thơ tiếp tục tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp và nhu cầu việc làm của người lao động trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt là nhóm đối tượng mất việc làm, thiếu việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm cơ sở hoạch định chính sách hỗ trợ, phát triển việc làm của địa phương. Đồng thời, cung cấp thông tin về thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho người lao động bằng nhiều hình thức. Trong đó, chú trọng các hình thức tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến và trực qua như thông tin đồ học, truyền phát trực tiếp,… Đặc biệt, trú trọng thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong khu vực sông Hậu và Đồng bằng Sông Cửu Long trong phục hồi và phát triển thị trường lao động sau dịch covid-19.

Theo LĐXH

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo