Các đơn vị thi công dự án đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45.
Ngày 16/11, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Chính phủ đã có Tờ trình số 519/TTr-CP gửi Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường cao tốc bắc – nam phía đông giai đoạn 2021-2025, gồm 12 dự án thành phần. Theo đó, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án, tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.
Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng, gồm: chi phí xây dựng và thiết bị 95.837 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 19 nghìn tỷ đồng, còn lại là các chi phí quản lý dự án, tư vấn, dự phòng,…
Thách thức của hợp tác đối tác công-tư (PPP)
Vụ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Danh Huy cho biết, trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân 12 dự án thành phần trong giai đoạn 2021 – 2025 cần bố trí khoảng 139.640 tỷ đồng (khoảng 95% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 7.350 tỷ đồng chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 – 2030.
Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến bố trí cho dự án khoảng 47.169 tỷ đồng, giai đoạn 2021 – 2025 cần bổ sung khoảng 92.471 tỷ đồng, Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội. Dự kiến, các dự án sẽ triển khai chuẩn bị, giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 – 2023; khởi công giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Thực tiễn triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc bắc – nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020 cho thấy gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tính khả thi và tiến độ hoàn thành, chủ yếu là khó khăn về huy động vốn tín dụng.
Để thực hiện “mục tiêu kép”, sớm đưa vào khai thác công trình phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, khắc phục các tác động của đại dịch, Chính phủ đã trình Quốc hội chuyển đổi 5 dự án thành phần: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu từ phương thức PPP (hợp tác đối tác công – tư) sang đầu tư công.
Đối với 3 dự án tiếp tục triển khai theo phương thức PPP do đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư (Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo), mặc dù tỷ lệ vốn nhà nước tham gia hỗ trợ hơn 50%, thời gian thu hồi vốn 16 – 17 năm, được đánh giá là hiệu quả về tài chính so các dự án giai đoạn trước nhưng vẫn khó khăn trong huy động tín dụng. Dự kiến, tổng mức vốn vay tín dụng từ các ngân hàng của 3 dự án khoảng 6.500 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng nhu cầu vốn vay (72%).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giao thông, các dự án đường bộ cao tốc có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn thu hoàn vốn chủ yếu từ thu phí trên đầu phương tiện. Trong quá trình thực hiện, doanh thu của dự án có thể bị sụt giảm do tác động của nhiều yếu tố như tốc độ phát triển kinh tế – xã hội không đạt như dự báo, việc triển khai các quy hoạch liên quan không đúng lộ trình, phát sinh đầu tư các tuyến đường song hành của địa phương,… Chính vì vậy, các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng đánh giá dự án đường cao tốc theo PPP là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng PPP (Bộ Giao thông vận tải), các dự án cao tốc PPP thời gian qua chưa thu hút được nhà đầu tư tiềm lực mạnh về tài chính, gần 60 dự án PPP do Bộ Giao thông vận tải thực hiện trong giai đoạn vừa qua, nhà đầu tư chủ yếu là doanh nghiệp xây dựng, năng lực thi công tốt, đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu, nhưng tiềm lực tài chính không phải là thế mạnh. Chính vì vậy, việc huy động vốn vay của các doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng của ngân hàng.
Các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, nên khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Pháp luật về tín dụng cũng giới hạn mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan.
Thực tế, quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cao tốc bắc – nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020 cho thấy, nhóm các nhà đầu tư thật sự quan tâm dự án hạ tầng giao thông chủ yếu là nhà đầu tư đã huy động vốn tín dụng thực hiện dự án BOT giai đoạn trước, nên khả năng tiếp tục huy động tín dụng đầu tư dự án mới khó khăn hơn.
Chính vì vậy, các dự án PPP đường bộ cao tốc mặc dù bảo đảm hiệu quả tài chính theo quy định nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn sẽ triển khai thành công do phụ thuộc vào thị trường, khả năng thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là khả năng huy động tài chính từ các tổ chức tín dụng.
Động lực phát triển kinh tế đất nước
Trên cơ sở đánh giá về sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc bắc – nam, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá, kinh nghiệm các nước trong khu vực và thế giới cho thấy, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia.
Thực tế ở nước ta, các địa phương có đường cao tốc kết nối đều đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho các địa phương.
Sau hơn 16 năm kể từ thời điểm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên, đến nay cả nước mới đưa vào khai thác 1.163km, tốc độ xây dựng bình quân 74km/năm, bằng 1,5% tốc độ phát triển đường cao tốc của Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua; chưa hoàn thành mục tiêu “đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc” theo Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Việc đầu tư hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc bắc – nam sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao trên hành lang kinh tế bắc – nam, giải quyết hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, nhất là Quốc lộ 1 không thể khắc phục (đi qua nhiều khu đông dân cư, lưu thông hỗn hợp các phương tiện, tốc độ khai thác thấp,…).
Do vậy, việc sớm đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc bắc – nam phía đông với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn nhằm tạo sức lan tỏa, động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước là rất cần thiết.
Qua đúc kết kinh nghiệm, bài học rút ra từ thực tiễn triển khai đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc tại nước ta thời gian vừa qua, để bảo đảm được tiến độ xây dựng cũng như thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, căn cứ quy định của pháp luật, Chính phủ đã trình Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; trong đó, giao cho các địa phương tổ chức thực hiện dự án thành phần với mục tiêu phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của địa phương.
“Thực tế, một số địa phương được giao quản lý, triển khai đầu tư đường bộ cao tốc đã tạo được tính chủ động, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng như giải phóng mặt bằng, tái định cư, chủ động nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, vận động, tuyên truyền người dân,…
Đồng thời, việc phân cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc quy hoạch và phát triển không gian đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp hai bên đường cao tốc, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Theo Báo Nhân dân