Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam đang ổn định trong bình thường mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ở quý IV/2021 và năm 2022.
Doanh nghiệp đang thích nghi và phục hồi
Trao đổi với PV Lao Động về khả năng phục hồi sản xuất, tạo sản phẩm cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiều doanh nhân cho biết: Sức chống chịu, khả năng thích nghi và kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 của các doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều sau 4 làn “sóng” của đại dịch.
Đặc biệt, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 với tác động sâu rộng lên toàn nền kinh tế đã khiến không chỉ doanh nghiệp, mà các địa phương và cả hệ thống “vỡ” ra nhiều điều để thay đổi chiến lược.
Bên cạnh đó, tốc độ “phủ” vaccine của Việt Nam đang rất nhanh và rộng, là những yếu tố căn cơ nhất để ổn định sản xuất một cách bền vững trong bối cảnh “bình thường mới”.
“Phủ vaccine và thay đổi chiến lược phòng, kiểm soát, điều trị COVID-19 sẽ chắc chắn đưa nền kinh tế phục hồi” – doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực – Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang nhận định.
Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh – Phó Giám đốc Tông ty May Minh Anh (Nghệ An) – một doanh nghiệp chuyên may hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đang “tăng tốc” trở lại.
Trong quý IV/2021, công ty vẫn duy trì các đơn hàng xuất khẩu, đồng thời còn khai thác thêm các đơn hàng mới đến quý I và quý II/2022. Để đáp ứng các đơn hàng đúng tiến độ, Công ty May Minh Anh đang cần tuyển khoảng 3.000 lao động. Đây là cơ hội rất tốt cho các công nhân đã rời TPHCM trong đợt dịch vừa qua sớm ổn định lại việc làm, có thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương Nghệ An – cho biết, sau khi Nghệ An nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp đã dần thích ứng với trạng thái mới, tạo đà phục hồi sản xuất trong bối cảnh “bình thường mới”.
Doanh nghiệp Minh Anh hay Bagico chỉ là một “điểm sáng” trong hàng triệu điểm sáng của cả nước, phản ánh bức tranh doanh nghiệp đang nhanh chóng ổn sản xuất để tăng trưởng kinh tế.
Lạc quan về khả năng tăng trưởng
Mới đây, Ngân hàng Standard Chartered đánh giá tốc độ hồi phục kinh tế sẽ gia tăng trong năm 2022 và duy trì mức dự báo tăng trưởng cho năm tới ở mức 7%.
Ông Tim Leelahaphan – chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam – Ngân hàng Standard Chartered, cũng lạc quan dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có khả năng phục hồi vào cuối quý IV/2021 nếu việc kiểm soát dịch COVID-19 được thực hiện tốt.
Nhận định về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, ông Alain Cany – Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson Việt Nam và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam) cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần trong ít nhất 6 tháng tới cho đến khi đà tăng trưởng mạnh hơn vào nửa cuối năm 2022.
Chia sẻ với PV Lao Động, các doanh nhân và các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã trở lại, tin tưởng và chính sách ổn định kinh tế vĩ mô cũng như chính sách chống dịch linh hoạt, hiệu quả.
Để đạt mức tăng trưởng trong quý IV/2021 tạo đà cho tăng trưởng năm 2022, Việt Nam cần áp dụng nhiều chính sách tín dụng, tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn có sức chống chịu kém hơn.
“Giãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu ít nhất 12 tháng cho doanh nghiệp là giải pháp thiết thực nhất lúc này” – doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực nêu ý kiến.
TS Trương Gia Bình – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính – Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng tin tưởng về mức tăng trưởng trong thời gian tới, khi GDP đã tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm 2021, góp phần tạo nên một triển vọng tươi sáng hơn cho nền kinh tế Việt Nam.
Là địa phương vừa trải qua tổn thất kinh tế khá nặng nề trong “làn sóng” dịch COVID-19 lần thứ 4, nhưng Bình Dương đã nhanh chóng lập lại trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp đang nhanh chóng ổn định sản xuất. Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Dương vừa tổ chức lễ công bố thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, nhằm tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư…
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương – cho biết: Tỉnh Bình Dương có khoảng 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động. Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp sẽ góp phần tháo gỡ những “nút thắt” để doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển.
Theo Báo Lao động