Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, chi nhánh nhà máy Tiền Giang tổ chức cho công nhân làm việc “3 tại chỗ” và an toàn với dịch Covid-19.
Tiền Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn từ rất sớm. Trong đó, tỉnh tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất nhưng phải có kế hoạch thật cụ thể, phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Quan điểm của tỉnh Tiền Giang là: An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn. Do đó, tỉnh đã có những bước đi hơi chậm so với các địa phương khác nhưng khá chắc chắn.
Sau khi tỉnh Tiền Giang ban hành kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, 29 doanh nghiệp FDI trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã kiến nghị tỉnh Tiền Giang sớm cho các doanh nghiệp này hoạt động trở lại bình thường, công nhân tự túc di chuyển đến nơi làm việc của các doanh nghiệp; cho các chuyên gia nước ngoài, người lao động ngoài tỉnh được vào tỉnh Tiền Giang. Cùng với đó, cho doanh nghiệp xét nghiệm nhanh công nhân khi trở lại làm việc, không cần xét nghiệm RT-PCR và đẩy nhanh tiêm vaccine cho công nhân; không thực hiện giới nghiêm từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau đối với người lao động đến nhà máy sản xuất…
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, tỉnh đã chủ động xây dựng phương án và tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động trong thời gian có dịch Covid-19 và sau khi đã khống chế được dịch Covid-19 trên địa bàn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải xây dựng phương án thật cụ thể, trong đó công tác phòng, chống dịch Covid-19 phải ưu tiên hàng đầu mới được hoạt động trở lại. Tiền Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Hiện, tỉnh Tiền Giang có nhiều phương án để doanh nghiệp tự lựa chọn. Thời gian thực hiện từ 1/11/2021 với điều kiện phương án đó phải hoàn chỉnh và được phê duyệt.
Phương án thứ nhất là mô hình “3 tại chỗ”; phương án thứ hai là tổ chức cho người lao động đi về hằng ngày; phương án ba là kết hợp phương án “3 tại chỗ” và tổ chức cho lao động đi về hằng ngày.
Để thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, các doanh nghiệp sử dụng lao động phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 hoặc F0 khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng và ở vùng cấp độ dịch 1, 2. Tỉnh Tiền Giang sẽ đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn định kỳ hằng tuần từ tỉnh đến ấp, khu phố và cụm dân cư.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, tỉnh chủ động mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp nhưng phải thận trọng và an toàn. Hiện, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho công nhân trên địa bàn tỉnh đã đạt 100%. Dự kiến đến hết ngày 31/10/2021, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân sẽ đạt gần 60%. Do vậy, các doanh nghiệp hoàn chỉnh phương án và được phê duyệt sẽ đi vào hoạt động từ 1/11/2021 với số lượng công nhân khoảng 50% trên tổng số lao động trước đây. Khi đã ổn định và có nhu cầu, doanh nghiệp được nâng dần số lượng công nhân.
Quan điểm của tỉnh Tiền Giang là người lao động trước khi trở lại làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR. Sau đó, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và thực hiện đúng theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về tầm soát, xét nghiệm định kỳ. Cơ quan nhà nước sẽ giám sát và kiểm tra việc xét nghiệm, tầm soát định kỳ theo đúng đối tượng, tỷ lệ theo quy định về công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp.
Chủ động xây dựng phương án
Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch và đã có hướng dẫn rất chi tiết về việc khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 1, từ ngày 1/10 đến 31/10, tập trung cho công tác phòng, chống dịch và từng bước phục hồi một số hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp trong điều kiện tỷ lệ tiêm vaccine trong dân còn thấp; kết quả phòng, chống dịch tiềm ẩn nguy cơ, chưa bền vững.
Trong giai đoạn này, tỉnh Tiền Giang quy định doanh nghiệp dưới 50 lao động thực hiện sản xuất, kinh doanh gắn với phương án phòng, chống dịch do UBND cấp huyện, thành phố, thị xã quyết định. Doanh nghiệp có hơn 50 lao động phải thực hiện theo các phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc kết hợp cả hai.
Giai đoạn 2, từ ngày 1/11 đến 31/12/2021, tỉnh sẽ chuyển trạng thái từ “nguy cơ” sang “bình thường mới” với điều kiện người lao động trong các doanh nghiệp phải tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19; F0 hết bệnh chưa qua 6 tháng.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, đến nay, địa phương đã có 98 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Trong quá trình triển khai thực hiện, doanh nghiệp muốn tăng số lượng lao động và đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch, tỉnh sẽ phê duyệt cho bổ sung. Ngoài ra, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh cũng đã phê duyệt cho gần 1.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh dưới 50 lao động hoạt động trở lại theo phương án phòng, chống dịch nhưng không cần thực hiện “3 tại chỗ”.
Thời gian qua, Tiền Giang đã phê duyệt phương án cho một số doanh nghiệp làm việc “3 tại chỗ” với số lượng công nhân khá lớn. Chẳng hạn, Công ty TNHH Đại Thành có 1.700 lao động. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp này chỉ có 375 người và sau đó bổ sung thêm 933 lao động. Còn Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang có số lao động 2.522 người. Khi mới đi vào thực hiện, doanh nghiệp chỉ có 1.105 người và sau đó bổ sung thêm 1.768 lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” tốn kém chi phí cho doanh nghiệp nhưng hiệu quả trong việc phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp, bảo vệ sức khỏe cho công nhân. Từ ngày 1/8/2021 đến nay, tất cả các doanh nghiệp thực hiện theo phương án này rất an toàn, không phát sinh bất kỳ ổ dịch nào.
Theo Báo Nhân dân