PV: Thưa ông, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã đặt ra những thách thức và cơ hội thế nào cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội trong 9 tháng qua?

Ông Nguyễn Vân: Dịch bệnh đã đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp không chỉ tại Việt Nam chúng ta mà cho tất cả các doanh nghiệp toàn cầu và cho toàn bộ nền kinh tế trên thế giới.

Thứ nhất, công tác phòng chống dịch bệnh, giãn cách xã hội, yêu cầu xét nghiệm, tiêm vaccine góp phần bảo vệ an toàn cho xã hội nhưng vô hình chung lại phần nào gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu xuất hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi sản xuất cung ứng cho các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia, trong đó có những ông lớn đã có mặt tại Việt Nam như Samsung, Canon, Toyota, Ford, hay doanh nghiệp cung ứng cấp 1 cho các chuỗi này như Foxconn,… Đó là thách thức trước mắt.

Thứ hai, với những doanh nghiệp còn tồn tại được qua đại dịch thì lại mất đi nguồn lao động. Đối với các doanh nghiệp ở Hà Nội của chúng tôi thì ảnh hưởng chưa nhiều như Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng đã có tình trạng này. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất hiện các ca bệnh, đời sống người lao động vất vả trong thời kỳ phải nghỉ làm việc ở nhà thì người ta phải tìm những doanh nghiệp mới, tổ chức mới để đầu quân và tiếp tục lao động. người ta đầu cuốn người ta về người ta lao động.

Thứ ba, dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ, quá trình triển khai và phát triển các nhà máy, xí nghiệp, những dự án mới của doanh nghiệp chúng tôi. Đơn cử, tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội do Tập đoàn N&G – đơn vị đồng sáng lập HANSIBA – đã đầu tư, có khá nhiều các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội quan tâm đăng ký thuê đất để lập nhà máy trước và trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, vì dịch bệnh mà các chuyên gia nước ngoài, các đối tác liên doanh của doanh nghiệp ở nước ngoài không sang được Hà Nội để cùng triển khai, dẫn đến doanh nghiệp mất đi cơ hội thu hút và sản xuất đáp ứng các đơn hàng quốc tế mới.

Về cơ hội, tôi cho rằng cơ hội lớn nhất là đón nhận những đơn hàng mới từ việc chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam. Chúng ta có nền kinh tế với độ mở rất tốt và tình hình kinh tế – chính trị ổn định, nên tới đây khi tỷ lệ tiêm vaccine tăng, dịch bệnh dần được kiểm soát và chúng ta bắt đầu đi vào giai đoạn “bình thường mới” thì các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục tiếp cận nhiều đối tác để thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài, trên cơ sở tận dụng các cơ hội từ những Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết.

Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA)

PV: Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã thích ứng với bối cảnh mới thế nào?

Ông Nguyễn Vân: Theo khảo sát trực tiếp đối với các doanh nghiệp thành viên của HANSIBA về tình hình ảnh hưởng do dịch bệnh trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ đầu tháng 7/2021 vừa qua trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin phản ánh, báo cáo của doanh nghiệp về việc chịu ảnh hưởng mạnh, khoảng 80-90% các doanh nghiệp hội viên HANSIBA giảm doanh số; khoảng 50% hoạt động cầm chừng và có những doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sản xuất.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành viên HANSIBA cũng đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ mục tiêu kép Chính phủ đề ra, một mặt vẫn tuyên truyền, thực hiện các hình thức phòng chống dịch bệnh như 5K và thực hiện công tác 3 tại chỗ; mặt khác cố gắng duy trì sản xuất, đặc biệt là tại các doanh nghiệp có nhà máy, xí nghiệp với quy mô hàng trăm, hàng nghìn công nhân.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói chung và doanh nghiệp thành viên HANSIBA nói riêng đã có sự thay đổi trong chiến lược, kế hoạch triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm chuyển đổi mô hình, ứng phó kịp thời.

Đơn cử, có những doanh nghiệp trong Hiệp hội như Công ty Hakari Việt Nam, Công ty Indema và một số doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao cho các doanh nghiệp FDI thời gian qua đã chuyển hướng sản xuất ngay sang các sản phẩm thiết bị y tế.

Với sự vận động của Hiệp hội, các doanh nghiệp đã liên kết với nhau để sản xuất các booth xét nghiệm Covid-19 lưu động có tỷ lệ nội địa hóa 100%, do người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và trao tặng các tỉnh, các địa bàn chống dịch “nóng” như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nỗ lực tham gia vào chuỗi sản xuất thiết bị y tế cung cấp cho các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước bao gồm máy trợ thở, tấm chắn mặt, quần áo bảo hộ, khẩu trang,…

PV: Để hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại đà phục hồi trong những tháng cuối năm, theo ông những giải pháp nào cần được thực hiện?

Ông Nguyễn Vân: Mới đây Ban lãnh đạo Hiệp hội đã có những kiến nghị đối với quyết sách của Chính phủ về hỗ trợ cho các doanh nghiệp để vượt qua thời kỳ dịch bệnh khó khăn, trong đó có những vấn đề như hỗ tợ thuế, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.

Ngày 11/10/1021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Hiệp hội sẽ tiếp tục tuyên truyền và hướng dẫn cho hơn 200 doanh nghiệp thành viên nói riêng và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói chung trong đón nhận và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

Chúng tôi cũng đang tiếp tục báo cáo, đề xuất với các cơ quan cấp trên tại Thành phố Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương và Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong nhiệm kỳ tới sẽ xem xét ban hành Luật công nghiệp hỗ trợ, đồng thời có các văn bản dưới luật thay thế cho Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp trong thực thi Luật.

Ngoài ra, Hiệp đội đang hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi số ngay trong các doanh nghiệp hội viên để không chỉ thích ứng với bối cảnh dịch bệnh mới mà còn bắt kịp với xu thế số hóa toàn cầu. Chúng tôi đã liên kết với một số đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và năng lực thiết bị cho doanh nghiệp; mặt khác kết nối với các nguồn tài chính, các ngân hàng lớn để tìm những khoản vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp mua sắm máy móc thiết bị, đầu tư dự án nhà máy mới, tăng cường sản xuất để đón đầu nhu cầu thị trường dự báo sẽ tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2022 tới đây.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp thành viên HANSIBA cho biết sẽ tăng cường các hoạt động nội khối ngành công nghiệp hỗ trợ để “cùng nhau sản xuất – cùng nhau cung ứng”, hỗ trợ nhau sản xuất kinh doanh các sản phẩm dân sinh, đa dụng trong nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, Hiệp hội và Tập đoàn N&G cho biết có kế hoạch phát triển chuỗi các khu công nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thế hệ mới tại 3 miền Bắc – Trung – Nam. Đây là chuỗi các khu công nghiệp xanh, được đầu tư xây dựng gắn kết chặt chẽ với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó bao gồm sử dụng tiết kiệm tối đa nguồn nước qua việc tái chế xử lý; giảm bớt sử dụng năng lượng hóa thạch qua việc lắp đặt các hệ thống pin mặt trời áp mái trên các nhà máy; áp dụng triệt để các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc quản lý, vận hành, theo dõi môi trường; điều tiết sử dụng năng lượng trong khu công nghiệp;…

Theo Tạp chí Công thương