Chiều 14-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tiếp Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti.
Khái quát một số nét nổi bật về kinh tế – xã hội của Hà Nội trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, với vai trò trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội luôn phát huy tinh thần năng động, chủ động sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu phát triển trong thời gian qua.
Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thủ đô trung bình ở mức 7,39%, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.420 USD, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2019 đạt 8,6 tỷ USD; năm 2020, do dịch bệnh, thu hút FDI giảm xuống còn 3,83 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2021, thành phố thu hút được 1,09 tỷ USD vốn đầu tư FDI, dự kiến tới cuối năm 2021 đạt 2 tỷ USD. Hà Nội đóng góp cho cả nước 16% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 18,5% thu ngân sách, 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu…
Trong thời gian tới, Hà Nội hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại và thông minh, giữ vững danh hiệu Thành phố Vì hòa bình; duy trì tốc độ phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Thành phố luôn kiên định với mục tiêu coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm, là chủ thể để phục vụ và hành động. Thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Về đối ngoại, Hà Nội xác định triển khai các hoạt đông có trọng tâm, trọng điểm và chọn lọc mang tính thiết thực, bám sát chủ trương, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, lấy hội nhập kinh tế quốc tế làm ưu tiên; tập trung triển khai các cam kết đã đưa ra và thúc đẩy giao lưu hợp tác với các đối tác ưu tiên.
Về phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đến nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Thành phố đang từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để sớm khôi phục và phát triển kinh tế, đưa Hà Nội trở lại trạng thái bình thường trong tình hình mới.
Cùng với các biện pháp nêu trên, thành phố cũng đẩy mạnh chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân. Đến nay, thành phố đã tiêm phòng mũi thứ nhất vắc xin ngừa Covid-19 cho 98% người dân trên 18 tuổi; 49% người dân hoàn thành mũi tiêm thứ hai.
Trong thời gian qua, nhiều nước thành viên EU đã viện trợ vắc xin ngừa Covid-19 cho Việt Nam thông qua cơ chê phân phối vắc xin của Liên hợp quốc (COVAX). Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng hy vọng, EU sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam thông qua các hoạt động nhượng lại vắc xin, chia sẻ công nghệ, cung cấp vật tư và thiết bị y tế điều trị Covid-19, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với đại dịch.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng hoan nghênh các chương trình hợp tác giữa EU và Hà Nội trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, thành phố luôn xác định hợp tác với các thành viên EU là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển. Trong thời gian tới, Hà Nội mong muốn EU sẽ tiếp tục giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và bảo tồn di sản văn hóa…
Đánh giá cao nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti hy vọng cuộc sống của người dân sẽ sớm trở lại bình thường.
Nhất trí với những đề nghị của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Đại sứ Giorgio Aliberti nhấn mạnh, các thành viên EU sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong những lĩnh vực có thế mạnh, đồng thời mong muốn, trong thời gian tới, hai bên sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án Trường Đại học Quản lý châu Âu tại Hà Nội, xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 và hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa…
Theo Hà Nội mới