Tính đến ngày 22/9/2021, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn: sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản giảm; hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng, sản lượng các sản phẩm công nghiệp giảm; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 12,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ giảm 33,9% so với cùng kỳ; thu ngân sách giảm 7%; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và đạt thấp so với kế hoạch (bằng 45,5%, cùng kỳ giải ngân 63,4%); các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao bị tạm ngừng; đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, lao động tự do và những ngành nghề không được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội…
Vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với việc chủ động, linh hoạt, kịp thời triển khai các giải pháp, đến thời điểm hiện nay Cà Mau là một trong số những tỉnh kiểm soát tốt dịch Covid-19 theo đánh giá của Bộ Y tế. Tuy nhiên, dự báo sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh Cà Mau vẫn chịu tác động rất lớn đến các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, du lịch, thương mại, thu ngân sách Nhà nước. Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp hoặc dừng sản xuất kinh doanh…
Ðể kịp thời tháo gỡ khó khăn, từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh Cà Mau trong những tháng cuối năm 2021 với những nội dung, việc làm cụ thể, trên tinh thần quyết tâm hành động cao nhất”.
Có 4 nhóm vấn đề trọng tâm được tỉnh tập trung, đó là thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh tỉnh Cà Mau và cả nước dần kiểm soát được ảnh hưởng của dịch Covid-19; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch Covid-19 được kiểm soát; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khoẻ và đời sống người dân; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của tỉnh là “Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, chủ động phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời, không để dịch Covid-19 lan rộng. Mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng vàng và xoá vùng cam, vùng đỏ, tiến tới xanh hoá toàn địa bàn tỉnh gắn với việc khôi phục kinh tế, giải quyết việc làm và an sinh xã hội”.
Theo đó, tỉnh đề ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế – xã hội” trong tình hình mới; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo chuyển biến thực chất trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng ứng dụng công nghệ số, Chính phủ điện tử…
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động tối đa mọi nguồn lực để ưu tiên phục vụ công tác bảo đảm sức khoẻ Nhân dân, an sinh xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư công, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và ổn định xã hội.
Không cứng nhắc nhưng phải an toàn
Trong tháng 9, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói riêng và toàn khu vực miền Nam nói chung, tuy nhiên, trong giai đoạn cuối tháng, một số tỉnh, thành phố phía Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và từng bước nới lỏng một số biện pháp giãn cách, phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.
Ðối với tỉnh Cà Mau, một số lĩnh vực có chuyển biến đáng phấn khởi, như sản xuất nông nghiệp có nhiều chỉ tiêu đạt trên 70% so kế hoạch, tổng sản lượng thuỷ sản tăng 3,8% so với cùng kỳ, riêng sản lượng tôm tăng 9,3% so cùng kỳ.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 110 triệu USD, tăng 21,8% so với tháng trước, luỹ kế ước đạt 797,5 triệu USD, bằng 72,5% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 9 đạt 103,3 triệu USD, tăng 19,6% so với tháng trước, luỹ kế 741,8 triệu USD, bằng 71,1% kế hoạch, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do các nước châu Âu và Mỹ đang dần dỡ bỏ phong toả, cùng với việc chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu thụ vào dịp lễ, Tết cuối năm nên nhu cầu tôm đang phục hồi trở lại.
Bên cạnh đó, những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…), cùng với giá tôm xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, tiếp tục tạo nhiều lợi thế khi xuất khẩu qua các thị trường tăng cao.
Trong 9 nhóm nội dung cần tập trung thực hiện quyết liệt trong tháng 10, tạo nền tảng và động lực mạnh mẽ đạt được những kết quả ở mức cao nhất trong những tháng cuối năm, với phương châm “Sống an toàn trong điều kiện dịch Covid-19”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải đi vào thực hiện cụ thể từng phần việc trên tinh thần linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc.
“Tuỳ từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Từ thực tiễn, địa phương xây dựng các kịch bản phục hồi tăng trưởng kinh tế và mở cửa từng bước, thận trọng, an toàn, hiệu quả theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương “5K + vắc-xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền, xác định người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, tham gia phòng chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người. Hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các huyện, TP Cà Mau theo nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn thì mới sản xuất.
Không cứng nhắc trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch gây cản trở sản xuất, ách tắc giao thông, lưu thông hàng hoá trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò vốn của đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, thúc đẩy các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước, nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển…
Theo Báo Cà Mau