Bình Phước cần khoảng 15.000 lao động cho nhu cầu sản xuất sau dịch Covid-19

Dự kiến sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ có nhu cầu tuyển lao động để thay thế cho những người không quay trở lại làm việc, hoặc tuyển mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất với khoảng 15.000 lao động.
Theo đánh giá, điều chỉnh phân vùng nguy cơ dịch bênh Covid-19 trên địa bàn của UBND tỉnh, Bình Phước có 04/11 huyện có nguy cơ cao màu cam, 03 huyện có nguy có màu vàng, 04 huyện về mức bình thường mới; cấp xã có 02/111 xã ở mức nguy cơ rất cao màu đỏ, 15 xã ở mức nguy cơ màu vàng, 58 xã ở mức bình thường mới màu xanh.
Trong cuối tháng 9/2021, người lao động ở các vùng xanh, vàng đã quay trở lại thị trường lao động nhiều hơn và dần ổn định viêc làm, một số ngành nghề sản xuất được hoạt động. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, người lao động, hộ kinh doanh, doanh nghiệp thuộc vùng cam, đỏ thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng chống dịch nên người lao động tiếp tục mất việc làm. Bình Phước có 3 huyện phải cách ly toàn bộ (Bù Đăng, Đồng Phủ và Chơn Thành), nên người lao động tự do và lao đông làm việc trong các doanh nghiệp đang phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch, dẫn đến người lao động mất việc làm, không có thu nhập.
Thực hiện yêu cầu phòng chống dịch của địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước phải thực hiện 3 tại chỗ, hoặc một cung đường hai địa điểm. Một số doanh nghiệp không đáp ứng được thì xin tạm ngưng hoạt động; số doanh nghiệp đáp ứng được thì có ít lao động đăng ký lưu trú tại công ty, số lao động còn lại xin tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ không lương do đó việc sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp không hoạt động hết công suất.
Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng số doanh nghiệp lập phương án lưu trú và đã được Sở Y tế Bình Phước phê duyệt là 183 doanh nghiệp, gồm: 177 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, 06 doanh nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư; số lượng công nhân đăng ký dự kiến lưu trú là 31.792 lao động.
Toàn tỉnh hiện có 180 doanh nghiệp tổ chức lưu trú với số lượng 24.771 lao động (Khu công nghiệp 175 doanh nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư 05 doanh nghiệp); trong đó có 143 doanh nghiệp có tổ chức hoạt động sản xuất, còn lại chỉ tổ chức lưu trú cho chuyên gia, bảo vệ, vệ sinh ở lại công ty.
Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Phước cho thấy, số lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, tạm ngừng việc chiếm khoảng 70% tổng số lao động trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như Công ty TNHH Freewell, Công ty TNHH Shyang Ying, Công ty TNHH Long Fa, Công ty TNHH Grand Gain… chỉ đủ điều kiện cho lưu trú số lượng lao động nhỏ, số lao động còn lại xin tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, tạm ngừng việc. Những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp – xây dựng và ngành dịch vụ; lĩnh vực bị ảnh hưởng là sản xuất kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng hóa…
Đến nay, tỉnh đã thực hiện chi hỗ trợ cho 1.274 người lao động tạm hoãn hợp động lao động, nghỉ việc không hưởng lương với tống kinh phí hơn 4,257 tỷ đồng, 197 lao động ngừng việc với tổng số tiền 262 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Bình Phước có khoảng 100.000 lao động/400.000 lao động phi chính thức bị ảnh hưởng trực tiếp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người lao động mất việc làm không có thu nhập. Tỉnh đã tổ chức rà soát, thực hiện chi trả và lập danh sách phê duyệt 76.468 người, kinh phí hỗ trợ gần 77 tỷ đồng.
Hiện nay, số lao động của tỉnh Bình Phước làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp chiếm tỷ lệ 65%, lao động ngoài tỉnh chiếm 35%. Nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng 9 đăng ký qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có 8 doanh nghiệp, số lao động cần tuyển là 2.769 người, tuyển chủ yếu lao động phổ thông 2.669, chuyên môn kỹ thuật là 73 người. Dự kiến sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ có nhu cầu tuyển lao động để thay thế cho những người không quay trở lại làm việc, hoặc tuyển mới để đáp ứng nhu cầu sản xuất với khoảng 15.000 lao động.
Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở Bình Phước là tương đối lớn. Giảm việc làm xảy ra ở hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người lao động…
Để nguồn lực lao động sớm được hỗ trợ quay lại thị trường lao động sau dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch thu hút phát triển nguồn lao động phục vụ sản xuất sau giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch để thực hiện công tác giải quyết việc làm và thu hút người lao động quay trở lại thị trường lao động.
Trước mắt, ngoài các giải pháp hỗ trợ chung cho doanh nghiệp và người lao động, tỉnh Bình Phước cũng cần có giải pháp thay đổi đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin, ưu tiên cho công nhân lưu trú sớm được tiếp cận vắc xin… Việc tiêm vắc xin cho người lao động chính là giải pháp cần thiết, kịp thời để người lao động và doanh nghiệp tự tin tổ chức sản xuất trong điều kiện mới.
Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo