Nối lại chuỗi sản xuất để tận dụng cơ hội kinh tế thế giới phục hồi

hợp tác Việt Nam - nhật bản

Khi dịch bùng phát ở một số quốc gia vào năm 2020, các công ty đa quốc gia buộc phải chuyển đơn hàng đi qua các nước chưa bị ảnh hưởng dịch, trong đó có Việt Nam. Giới chuyên gia nhìn nhận: Việt Nam phải xem đó là bài học để không bị mất đi cơ hội và lợi thế của mình.

Sáng ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn. 

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời để khoảng ngày 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể, quyết định việc chuyển trạng thái, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phụ trách.

Năm 2021 là năm thứ ba, dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn thế giới. Tại Việt Nam, dịch diễn biến phức tạp chưa từng có trong đợt bùng phát lần thứ tư trên khắp cả nước. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh tác động vô cùng nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành phía Nam, gây khó khăn cho các hoạt động kinh tế, khi nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc không có nguyên liệu để sản xuất. Không chỉ vậy, kinh tế Việt Nam còn đối mặt với nguy cơ chuỗi cung ứng bị đắt gãy, các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cũng có nguy cơ suy giảm.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm chống dịch, nền kinh tế thế giới đã có sự thích nghi và đã dần phục hồi để trở lại trạng thái bình thường mới.

Tại cuộc họp sáng nay của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, nhiều ý kiến đều nhìn nhận, qua các đợt chống dịch, Việt Nam đã hiểu hơn về virus, có nhiều kinh nghiệm hơn. Các ý kiến tại cuộc họp cơ bản đồng tình với các báo cáo, đặc biệt là dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với COVID-19, bổ sung một số ý kiến từ kinh nghiệm thực tiễn.

Qua cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Kinh tế thế giới phục hồi khi thích nghi với dịch bệnh kéo dài

Theo IHS Markit – đơn vị cung cấp, phân tích chuyên sâu thông tin và các giải pháp quan trọng cho các doanh nghiệp và các chính phủ trên toàn cầu – GDP thực tế của thế giới đạt mức cao mới trong quý 2/2021, bắt đầu phục hồi trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài. IHS Markit dự báo, GDP thực tế toàn cầu sẽ tăng 5,7% vào năm 2021 và 4,5% vào năm 2022 sau khi giảm 3,4% vào năm 2020.

Tại Bắc Mỹ và Tây Âu, tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao và đang tăng lên, làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh được nới lỏng giúp các hoạt động kinh tế không còn bị ngưng trệ, ảnh hưởng nhiều. Ở Nam Mỹ, các ca nhiễm mới đã giảm mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi kinh tế và dòng chảy xuất khẩu hàng hóa.

Khung chính sách mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng cho thấy chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục có tính thích ứng cao. GDP thực tế của khu vực đồng euro dự kiến sẽ tăng 5,0% vào năm 2021 và 4,3% vào năm 2022.

Tuy nhiên, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chậm trễ trong vận chuyển sẽ còn tiếp diễn. Việc cắt giảm sản lượng do đại dịch đang bùng phát mạnh ở khu vực Đông Nam Á đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt đầu vào và áp lực chi phí.

Việc thiếu hụt chất bán dẫn đã dẫn đến việc cắt giảm sản lượng lớn trên toàn cầu trong ngành công nghiệp ô tô trong tháng 8 và tháng 9/2021. Với ngành vận tải container, hàng loạt sự việc như: kênh đào Suez tắc nghẽn vào tháng 3/2021, đóng cửa một phần các cảng của Trung Quốc, Union Pacific đình chỉ các chuyến hàng bằng đường sắt từ Bờ Tây đến Chicago vào tháng 7 vừa qua và việc tiếp tục dự phòng các tàu rời Los Angeles – Long Beach… khiến giá cước vận chuyển tăng cao.

Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh. Các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da – giày, chế biến nông sản, thủy sản… sẽ tăng mạnh trở lại. Việc tận dụng cơ hội này của Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh trong thời gian tới là hết sức quan trọng.

Cần nối lại ngay chuỗi sản xuất trong nước

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15 tháng 9 năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tháng 8 năm 2021, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tăng 65% so với tháng 7. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam.

Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trước mắt vẫn có một số điểm tích cực giúp giữ chân nhà đầu tư.

Tuy nhiên, với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay – đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm công suất tối đa, thậm chí là đóng cửa tạm thời do không đáp ứng được yêu cầu phòng dịch của chính quyền địa phương (đặc biệt là yêu cầu bố trí sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”).

Một số doanh nghiệp hiện đang buộc phải chịu lỗ để thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã ký kết, tuy nhiên do sức ép về tài chính, các doanh nghiệp sẽ không thể bảo đảm sản xuất trong dài hạn. Đồng thời, nguy cơ thiếu hụt lao động sau khi phục hồi kinh tế cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Sức mua trong nước giảm, chuỗi cung ứng thay đổi, vấn đề mất lao động, tuyển dụng lại lao động… đều làm tăng chi phí đầu tư, từ đó làm giảm triển vọng của nhà đầu tư.

Việc buộc phải thích ứng với tình hình mới, nối lại chuỗi sản xuất bên cạnh công tác kiểm soát dịch bệnh cần được ưu tiên và nỗ lực thực hiện lúc này.

Theo giới chuyên gia, do tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới, sẽ tạo điều kiện cho quốc gia khác thay thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài.

Thực tế cho thấy, khi dịch bùng phát ở một số quốc gia vào năm 2020, các công ty đa quốc gia buộc phải chuyển đơn hàng đi qua các nước chưa bị ảnh hưởng dịch, trong đó có Việt Nam. Việt Nam phải xem đó là bài học để không bị mất đi cơ hội và lợi thế của mình. Yêu cầu các nhà máy đóng cửa quá lâu buộc các doanh nghiệp phải tính toán sẽ tiếp tục giữ đơn hàng ở lại hay chuyển dần đi vì không có gì đảm bảo kết quả sau một hai tháng sẽ được cải thiện nếu không có sự vào cuộc và hỗ trợ từ phía chính phủ.

Do vậy, trong ngắn hạn, ưu tiên của Bộ Công Thương vẫn là phối hợp với các bên liên quan để đưa ra được các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá thuận lợi, hàn gắn, kết nối loại chuỗi cung ứng.

Trong dài hạn, trọng tâm vẫn là những gì mà Bộ đã và đang triển khai, đó là hoàn thiện khung pháp lý, khung chính sách nhằm tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp phát huy tiềm năng, vai trò huyết mạch của nền kinh tế; hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp trong nước, tạo cơ hội phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, hình thành chuỗi cung ứng, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, để ngành công nghiệp trong nước phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII.

Theo moit.gov.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo