Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gói hỗ trợ miễn, giảm thuế

P:NĂM 20215. TIN BÀICONG TAC VIEN1 YEN TBTCQH 19.6 - 2.jpg

P:\NĂM 2021. TIN BÀI\CONG TAC VIEN YEN TBTC\QH 19.6 - 2.jpg

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên họp thứ 3 – Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Miễn toàn bộ các loại thuế cho cá nhân, hộ kinh doanh

Sáng 16/9, sau khi xem xét, thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất thông qua việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Dự kiến sau khi các cơ quan tiếp thu hoàn thiện, Nghị quyết sẽ được ký ban hành trước ngày 1/10/2021.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020. Tuy nhiên, tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020 không áp dụng đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập doanh nghiệp, người nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2021.

Đề xuất nêu trên thực chất là kéo dài chính sách đã áp dụng của năm 2020 theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội. Song, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Ủy ban, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 để đảm bảo đối tượng được giảm thuế thực sự bị khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo đề xuất này là khoảng 2.200 tỷ đồng.

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.

Nội dung này, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội về tăng thêm mức hỗ trợ để đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ bao quát đến các đối tượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn mà không chỉ phân biệt trong hay ngoài vùng dịch hay khu vực giãn cách. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 8.800 tỷ đồng.

Cùng với giảm thuế TNDN, Chính phủ đề nghị giảm thuế GTGT kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế, bao gồm: Vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); Dịch vụ lưu trú; Dịch vụ ăn uống; Hoạt động xuất bản (trừ xuất bản theo hình thức trực tuyến); Hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; Hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí.

Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản này. Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản này. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT.

Với đề xuất giảm mức thuế suất thuế GTGT như nêu trên thì đối tượng được thụ hưởng trực tiếp chính sách này là người mua hàng hóa, dịch vụ (do mức giảm 30% thuế suất thuế GTGT thể hiện trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của người bán, qua đó giảm số tiền mà người mua phải thanh toán); đồng thời cũng sẽ gián tiếp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích bán hàng tốt hơn, nhiều hơn, qua đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về tiền phạt chậm nộp, Chính phủ đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.

Đề xuất này cũng tương tự với việc gia hạn thời hạn nộp thuế còn nợ của doanh nghiệp, tổ chức trong các năm 2020, 2021 và số tiền chậm nộp của các doanh nghiệp, tổ chức bị thua lỗ, khó có khả năng nộp ngân sách nên có tác động giảm gánh nặng nợ để doanh nghiệp, tổ chức có thể yên tâm và sớm hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.300 tỷ đồng. Như vậy, tính chung việc thực hiện 4 đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng.

Tổng mức hỗ trợ về thuế, phí năm 2021 là khoảng 140 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tính chung các giải pháp đã được UBTVQH, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 140 nghìn tỷ đồng.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và tác động của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và khả năng cân đối thu NSNN. Trường hợp có biến động lớn, Chính phủ sẽ báo cáo UBTVQH và Quốc hội điều chỉnh dự toán NSNN năm 2021 theo đúng quy định của Luật NSNN.

Thảo luận về nội dung này, các thành viên UBTVQH đều cơ bản nhất trí với việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, đánh giá cao những nội dung Chính phủ đã tiếp thu theo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội.

Để đảm bảo việc hỗ trợ đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, các thành viên UBTVQH cũng đóng góp một số ý kiến. Trong đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc phạm vi áp dụng chính sách theo vùng, địa bàn thực hiện giãn cách xã hội. Có ý kiến rà soát thận trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo chính sách đúng mục tiêu, là hỗ trợ đối tượng khó khăn, không hỗ trợ đại trà. Công tác quản lý thuế cần được tăng cường để tránh thất thoát khi triển khai chính sách. Ngoài ra, các thành viên cũng cho rằng có thể các gói hỗ trợ như hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ về chi phí lao động.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, doanh nghiệp cũng đang cực kỳ khó khăn, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa. “Vào lúc khó khăn này, đây chính là ‘một miếng khi đói bằng một gói khi no’ để hỗ trợ doanh nghiệp”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Về một số nội dung cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất, Bộ Tài chính đã bàn với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu 2009 không hiệu quả, khó quản lý, NHNN đã đề nghị không triển khai. Hiện NHNN cũng đang có chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, với cam kết của các ngân hàng khoảng hơn 24 nghìn tỷ đồng.

Liên quan đến việc quản lý thuế GTGT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường quản lý, chống thất thoát, có biện pháp để đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách là người tiêu dùng hàng hóa.

Một vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận là hỗ trợ đúng đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ đã tiếp thu đưa lĩnh vực hoạt động xuất bản phần mềm, kinh doanh trên nền tảng số ra khỏi lĩnh vực được giảm thuế và sẽ tiếp tục rà soát đối với một số lĩnh vực như vật tư y tế… Giải pháp để đảm bảo triển khai hỗ trợ kịp thời nhưng đúng đối tượng là thực hiện kê khai trước, kiểm tra sau.

Lúc này, điều cấp thiết là các giải pháp hỗ trợ cần được triển khai sớm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết các doanh nghiệp trên cả nước đang gặp rất khó khăn. Mặc dù có 8 tỉnh không có dịch nhưng cũng bị ảnh hưởng đáng kể về nguồn cung ứng hàng hóa, về thị trường, lao động…

Kết thúc phiên họp, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với tỷ lệ tán thành 100%. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo các ý kiến đã được nêu tại phiên họp để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước thời điểm 1/10/2021.

Theo Bộ Tài chính

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo