Trong tháng 8, kinh tế Việt Nam chịu tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 và phía tỉnh thành phía Nam kéo dài giãn cách xã hội. Sản xuất công nghiệp suy giảm và có sự khác nhau giữa các vùng miền, phản ánh rõ dấu ấn tác động của dịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục diễn biến xấu đi trong tháng 8, giảm 10,5% so với tháng trước và 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt cán cân thương mại gia tăng trong tháng 8/202: So với một năm trước, xuất khẩu hàng hóa giảm 7%, trong khi nhập khẩu tăng 21,1%. Hệ quả là nhập siêu tăng lên 3,5 tỷ USD trong tám tháng đầu năm 2021, so với xuất siêu 13,7 tỷ USD cùng kỳ năm  trước. Với việc xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào từ nước ngoài và nhu cầu trong nước đã yếu đi thì tăng trưởng nhập khẩu trong tháng 8 có thể chỉ mang tính tạm thời và thể hiện độ trễ thời gian từ lúc đặt hàng nhập khẩu đến lúc đơn hàng được giao. Vốn FDI tiếp tục ổn định cho thấy lòng tin vào nền kinh tế tiếp tục được duy trì, báo cáo “Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9/2021” của World Bank đánh giá.

Tỷ giá ổn định với diễn biến của VND - một trong những đồng tiền tốt nhất khu vực, là điểm sáng của chính sách điều hành những tháng qua

Tỷ giá ổn định với diễn biến của VND – một trong những đồng tiền tốt nhất khu vực, là điểm sáng của chính sách điều hành những tháng qua

Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,3% so với năm trước, tương đương mức tăng tháng 7 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,0%, lạm phát vẫn ổn định. Trong khi đó, tiền VND lên giá. 

Cụ thể theo World Bank, mặc dù tỷ giá trung tâm tương đối ổn định, tỷ giá USD/VIETNAM bình quân tăng 0,7% so với tháng trước trên thị trường chính thức trong nước, cho thấy nguồn cung đồng đô-la Mỹ lớn hơn tương đối so với cầu. Thực chất, ngày 11/8/2021, NHNN giảm tỷ giá mua đô-la Mỹ từ các ngân hàng thương mại 225 VND (tương đương 1%). Và ngày 24/8/2021, NHNN quyết định giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại tại NHNN từ mức 0,05% xuống còn 0% từ ngày 1/9/2021. 

Những động thái này có thể đã hỗ trợ cho cung đồng đô-la Mỹ trên thị trường. Tiền đồng tăng giá danh nghĩa trong thời gian khủng hoảng cũng có thể phần nào do kiều hối đang hồi phục và dòng vốn FDI vẫn ổn định. Đó là hai nguồn cung đô la la Mỹ quan trọng, có thể đang giúp bù đắp thâm hụt cán cân thương mại. Tỷ giá hữu hiệu thực (REER) tăng 1% so với tháng trước) trong tháng 8, sau khi tăng 1,2% trong tháng 7/2021. Xu hướng tăng giá thực của tiền đồng giống với biến động của đồng đô-la Mỹ, phản ánh tầm quan trọng của thị trường Hoa Kỳ đối với thương mại của Việt Nam”, báo cáo cập nhật nhận định. 

Trước đó, chuyên gia kinh tế cấp cao của World Bank cũng nhận định dòng kiều hối về Việt Nam và trong năm 2021, có thể sẽ không bị suy giảm mà giữ mức tương đương khoảng 17,2 tỷ USD đã nhận được năm 2020. 

Song song đó, cũng theo chuyên gia cao cấp từ định chế tài chính quốc tế này, ổn định tỷ giá, cộng với chính sách tiền tệ linh hoạt hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn hứng chịu đại dịch COVID-19, là điểm sáng tích cực của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên World Bank bày tỏ quan ngại về nợ xấu tương lai và nguy cơ rủi ro tiềm tàng từ các khoản vay hỗ trợ cho doanh nghiệp và một số hộ gia đình gặp khó khăn tài chính trong dịch bệnh. “Rủi ro không thanh toán được của các khoản vay này cuối cùng có thể được chuyển từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính, và vì vậy khu vực tài chính có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn theo thời gian”, World Bank nhận định và khuyến nghị Việt Nam nên có sự thận trọng.

Lạm phát thấp tạo nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ cùng tỷ giá ổn định, cũng được Bộ phận nghiên cứu của CTCK SSI (SSI Reseach) đề cao như điểm sáng của vĩ mô và tiền tệ Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Theo thống kê của SSI Reseach, VND đã tăng giá tới 1,4% so với cuối năm 2020 và là đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực. SSI nhận định thời gian tới, diễn biến của VND vẫn phụ thuộc nhiều vào khả năng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và việc hồi phục sản xuất kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai ; đây cũng được SSI lưu ý là tín hiệu để khối FDI giải ngân mới.

2 tuần đầu tháng 9, thị trường quốc tế đã chứng kiến sự biến động nhất định của đồng bạc xanh theo các thông tin công bố chỉ số giá tiêu dùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng các dữ liệu kinh tế khác. Hôm 14/9, Fed công bố chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn dự báo nhưng lo ngại lạm phát cao vẫn còn nguyên khiến đồng bạc xanh suy yếu và đẩy giá vàng có lý do vượt ngưỡng 1.800 USD/ ounce; tuy nhiên trong ngày 16/9, với báo cáo doanh số bán lẻ vừa được công bố vượt kỳ vọng, đồng USD lại phi mã. Theo đó, chỉ số USD-Index đã tăng 0,5%, lên mức cao nhất trong 3 tuần và tiệm cận mức 93 điểm. Các đồng tiền chủ chốt đều giảm điểm so với đồng USD. 

Trong những ngày gần đây, biến động theo từng phiên giao dịch cũng đang xảy ra với tỷ giá danh nghĩa. 4 ngày trước, hôm 14/9, với dự báo Fed sẽ siết van bơm tiền, tỷ giá trung tâm VND so USD được Ngân hàng Nhà nước công bố tăng tới 17 đồng so với phiên liền trước. Tuy nhiên trong 3 ngày tính tới 16/9, tỷ giá trung tâm liên tục giảm và USD trong ngân hàng cũng đi xuống. Giới chuyên môn đánh giá những biến động ngắn hạn thì không thay đổi xu hướng tăng giá thực của tiền đồng giống với biến động của đồng đô-la Mỹ.

Theo Diendandoanhnghiep.vn