Năm 2021, Yên Bái phấn đấu mục tiêu thu ngân sách trên 4.424 tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế – xã hội được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và thực tế, dịch Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực nên ngay từ đầu năm, ngành thuế và các địa phương đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo nguồn thu.
Các địa phương đã chủ động thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế trên tất cả các lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ. Trong đó, đã tích cực vận động doanh nghiệp bám sát diễn biến thực tế của thị trường để đảm bảo cung ứng trúng và đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Các doanh nghiệp (DN) tiếp tục đổi mới, sáng tạo hơn trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Nhiều DN vẫn duy trì đảm bảo các điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để giữ chân người lao động, nhất là các lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật sản xuất cao.
Theo Cục Thống kê tỉnh, trong 8 tháng của năm, các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng phát triển toàn diện. Các DN đã khai thác tối đa hiệu quả mức gia tăng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân; các chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, giá trị hàng xuất khẩu của tỉnh trong 8 tháng của năm đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và bình quân chung của cả nước…
Ngay khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát diện rộng toàn quốc, Yên Bái vẫn chung sức, đồng lòng giữ vững “vùng xanh” trên bản đồ Covid -19; tuy nhiên, cũng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn.
Vì vậy, tỉnh chỉ đạo các địa phương và ngành thuế phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách (TNS). Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các DN, nhất là các DN sản xuất tập trung trong các khu, cụm công nghiệp tuyệt đối không chủ quan, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên tinh thần phải tự bảo vệ mình, ổn định nguồn nhân lực, duy trì, phát triển sản xuất. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, nhất là hỗ trợ trong tiếp cận, tìm đầu ra cho nông – lâm sản, công nghiệp…
Các địa phương chú trọng quản lý, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực cho nguồn thu lớn, ổn định tại địa bàn, bao gồm: thu cấp quyền khai thác khoáng sản; thu tiền sử dụng đất… Đặc biệt, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để đầu tư công thực sự trở thành trụ cột “kéo” tăng trưởng kinh tế, góp phần gia tăng nguồn TNS.
Nhờ vậy, tổng TNS trên địa bàn 8 tháng năm 2021 đạt 2.251,6 tỷ đồng, bằng 87,8% dự toán trung ương giao, bằng 56,3% dự toán tỉnh giao và tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu cân đối ngân sách là 1.236 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước; thu tiền thuê đất trả tiền một lần là 102,3 tỷ đồng, gấp 2,74 lần so với cùng kỳ năm trước; thu xổ số kiến thiết là 18,9 tỷ đồng, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước; thu tiền sử dụng đất là 670,4 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 223,9 tỷ đồng, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước…
Về phía ngành thuế tỉnh, không chỉ thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra từ đầu năm mà còn chủ động bám sát tình hình, chủ động đề xuất, thực hiện nhanh việc theo dõi các nguồn thu mới xuất hiện trong nền kinh tế. Đồng thời, không để sót lọt nguồn thu nhưng cũng không để xảy ra tình trạng gạn thu, xói mòn nguồn thu bền vững.
Trong đó, Cục Thuế tỉnh yêu cầu cơ quan thuế các cấp chú trọng rà soát lại toàn bộ các nguồn thu trên địa bàn; tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, tập trung kiểm tra, rà soát toàn bộ số DN đăng ký kinh doanh để xác định chính xác số DN tạm nghỉ kinh doanh; số DN báo ngừng hoạt động; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng bảo đảm hoàn thuế đúng quy định của pháp luật; tăng cường quản lý hóa đơn bán hàng…
Tiếp tục tập trung thực hiện tuyên truyền cho người nộp thuế về Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; thực hiện đầy đủ các thủ tục thu thập, nắm bắt thông tin về tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của DN; thực hiện phân loại nợ thuế, thông báo nộp thuế, đôn đốc và cưỡng chế thu tiền thuế nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế và quy trình quản lý nợ thuế; đẩy nhanh tiến độ công tác thanh tra, kiểm tra trong tháng 9, quý III/2021 nhưng vẫn phải đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ đối với số thuế còn nợ qua thanh tra, kiểm tra thuế của DN…
Theo Báo Yên Bái