Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu – Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nghị quyết trao quyền chủ động hơn cho địa phương và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và áp dụng mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn trong phòng chống dịch (ngoài các mô hình đang áp dụng) phù hợp với tình hình địa phương và tính chất kinh doanh của doanh nghiệp, ứng dụng tối đa số hóa để giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.

Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp xung quanh các chính sách hỗ trợ này của Chính phủ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết số 105/2021/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.

Nghị quyết đã trao quyền chủ động hơn cho địa phương và doanh nghiệp

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV (tỉnh Thái Bình) phân tích: Điểm mới của Nghị quyết 105/2021/NQ-CP nêu rõ 4 nhóm giải pháp cơ bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Điều này cho thấy rõ nét hơn điểm cân bằng giữa phòng chống dịch bệnh và duy trì, phát triển kinh tế, xã hội. Trong các giải pháp về ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa có nhấn mạnh đến nguyên vật liệu và vật tư hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là hàng hóa thiết yếu mà việc lưu thông thuận lợi có ý nghĩa sống còn cho việc duy trì sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Nghị quyết trao quyền chủ động hơn cho địa phương và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và áp dụng mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn (ngoài các mô hình đang áp dụng) phù hợp với tình hình địa phương và tính chất kinh doanh của doanh nghiệp, ứng dụng tối đa số hóa để giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp… Ngoài ra, còn có các biện pháp nhằm giảm hoặc dừng, hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp tập trung hơn vào ứng phó dịch bệnh và yên tâm tổ chức sản xuất-kinh doanh.

Về các tác động của Nghị quyết 105 đối với doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, giải pháp này đã xử lý đúng vấn đề và khó khăn mà doanh nghiệp, người lao động đang gặp phải do tác động của dịch COVID-19 lần này. Theo điều tra mới công bố của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính), các doanh nghiệp đang gặp khó khăn cấp thiết về dòng tiền (khoảng 63% doanh nghiệp cho rằng dòng tiền chỉ có thể duy trì sản xuất kinh doanh trong vòng 1-3 tháng tới), về trả lãi vay và trả nợ gốc. Ngoài ra, khả năng tìm kiếm công việc mới của người lao động mất việc làm là rất thấp, thêm vào đó là khó khăn trong lưu thông nguyên vật liệu… Chính vì vậy, 4 nhóm giải pháp của Nghị quyết 105 đã trực tiếp hỗ trợ giải quyết những khó khăn này của doanh nghiệp, người lao động.Nhiều giải pháp nếu có thể áp dụng ngay, áp dụng sớm sẽ có tác động tích cực đến việc giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, ví dụ như: Xem xét miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022; hỗ trợ phí xét nghiệm; giảm phí sử dụng công trình, tiện ích công cộng; bảo đảm lưu thông vật tư, nguyên vật liệu cho sản xuất-kinh doanh… Ngoài ra, các giải pháp khác còn mang tính chất dài hạn cho mục đích phục hồi sản xuất, nhất là hỗ trợ về vốn, tín dụng và thu hút đầu tư như vấn đề lao động nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng đánh giá cao việc Nghị quyết 105 tạo ra sự linh hoạt cho địa phương.

Theo đó, Nghị quyết đã thể chế hóa rõ ràng 2 nguyên tắc phối hợp giữa địa phương và Trung ương trong chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh, khắc phục bất cập trong thời gian qua. Một mặt, yêu cầu địa phương tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan Trung ương; không tạo ra các loại giấy phép “con”, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Trong một số vấn đề khác, Nghị quyết 105 đã tiếp cận theo cách thực tế, đề cao sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt của địa phương và doanh nghiệp, ví dụ: Chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; vận dụng sáng tạo, linh hoạt cách làm hay, mô hình hiệu quả vào thực tế địa phương; cho phép áp dụng các mô hình phù hợp khi đáp ứng điều kiện an toàn, phù hợp với thực tiễn địa phương để bảo đảm vừa chống dịch tốt vừa sản xuất.

Tuy nhiên, để Nghị quyết này nhanh chóng đi vào thực tiễn thì các bộ, địa phương không thể chần chừ mà đòi hỏi phải nhanh chóng cụ thể hóa biện pháp mà Nghị quyết đã giao. Mọi sự chậm chễ trong triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ là sự cản trở cho việc đạt được mục tiêu và sự ổn định, phát triển của đất nước.

Doanh nghiệp tin tưởng và hy vọng vào những quyết sách linh hoạt, kịp thời của Chính phủ

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam Nguyễn Quang Huân cho biết, Chính phủ đã đề ra 4 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà một trong những mục tiêu rất lớn lao và thiết thực được Nghị quyết 105 đề ra là đến hết năm 2021, phấn đấu luỹ kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động… cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, ngoài các giải pháp về y tế, phòng chống dịch bệnh COVID-19, Chính phủ yêu cầu phải bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành.

Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu các địa phương cùng với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải an toàn phòng, chống dịch.

Cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy, Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như giao cho Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; cơ quan liên quan cần sớm tham mưu hoặc ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác…

Cộng đồng doanh nghiệp rất tin tưởng và hy vọng rằng, với những quyết sách linh hoạt, kịp thời, cụ thể như trên, chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống của người dân về trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất, giúp doanh nghiệp giữ vững chuỗi sản xuất, cung ứng, đưa đất nước phát triển bền vững.

Theo Chinhphu.vn