Nam Định: Giải pháp cải thiện chỉ số SIPAS

Kết quả chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức (ND, TC) đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2020 của tỉnh đạt 82,14%, tăng 6,19% so với năm 2019. Song trên bình diện quốc gia, chỉ số SIPAS năm 2020 của tỉnh vẫn xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố; trung bình cả giai đoạn 2017-2020 tỉnh ta nằm trong nhóm 13 tỉnh có chỉ số SIPAS thấp, đạt 78,95%, xếp hạng 57/63 tỉnh, thành. Kết quả phân tích cụ thể đã khẳng định trong năm 2020 cũng như giai đoạn 2017-2020, các cơ quan chính quyền của tỉnh rất nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ ND, TC. Tuy nhiên, kết quả cải thiện mức độ hài lòng của ND, TC còn nhiều vấn đề cần quan tâm. 

Những chỉ số thành phần cần lưu tâm khắc phục trong kết quả SIPAS của tỉnh bao gồm: ND, TC phải đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); tỷ lệ công chức gây phiền hà, sách nhiễu gia tăng từ 0,21% vào năm 2019 lên 1,80% vào năm 2020; việc cơ quan trễ hẹn trong trả kết quả giải quyết TTHC tăng từ 3,18% vào năm 2019 lên 9,20%; vẫn còn tình trạng ND, TC không được nhận giấy hẹn trả kết quả dịch vụ công mà chỉ được công chức “hẹn miệng”; việc thực hiện quy định về thông báo, xin lỗi ND, TC về trễ hẹn trả kết quả dịch vụ công chưa được thực hiện nghiêm. Nhóm vấn đề này phản ánh tình trạng thiếu chuyên nghiệp; kỷ luật, kỷ cương còn lỏng lẻo; tinh thần, thái độ phục vụ dịch vụ hành chính công chưa tuyệt đối hướng đến lợi ích của ND, TC; còn thiếu tinh thần, trách nhiệm giải trình… đối với ND, TC trong quá trình cung ứng dịch vụ công ở các địa phương.  Bên cạnh đó, ND, TC vẫn tiếp tục mong đợi cơ quan chính quyền: Tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua đường bưu điện; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tiếp tục đơn giản hóa TTHC; tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; giảm phí/lệ phí giải quyết TTHC.

Trước thực trạng này, tại Hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính tỉnh năm 2020 vào tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải căn cứ hiệu quả kết quả chỉ số SIPAS để làm cơ sở xác định, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, mang lại sự hài lòng cho ND, TC. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các lĩnh vực, nội dung cải cách hành chính liên quan, tác động đến việc cung ứng dịch vụ công, phục vụ ND, TC; đặc biệt là các khía cạnh, nội dung bị đánh giá chưa tốt, mức độ hài lòng thấp và các khía cạnh, nội dung được mong đợi cải thiện nhiều hơn; triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, cung cấp thông tin và cung ứng dịch vụ công trực tuyến đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp ở địa phương. Để cải thiện mối quan hệ giữa ND, TC với cơ quan chính quyền trong cung cấp dịch vụ hành chính, tỉnh tiếp tục chỉ đạo người đứng đầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố phải nêu cao vai trò, trách nhiệm; quan tâm bố trí cán bộ, công chức có năng lực, trách nhiệm, nhiệt tình, thân thiện làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để cán bộ, công chức, viên chức cấp dưới thuộc đơn vị có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho ND, TC khi thực hiện các TTHC, giải quyết các công việc liên quan. Bản thân cán bộ, công chức, viên chức phải tích cực đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, tự giác nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công theo đúng quy định và lấy ND, TC làm trung tâm phục vụ, đáp ứng nhu cầu, mong đợi ngày càng cao của ND, TC cũng như yêu cầu hội nhập của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt là yêu cầu thích ứng của xã hội và bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ, công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi giải quyết các công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính, phù hợp với tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước; duy trì và liên tục cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 tại các cơ quan hành chính; đẩy mạnh xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015 tại các đơn vị sự nghiệp công lập và UBND xã, phường, thị trấn; triển khai, nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến UBND cấp tỉnh, cấp huyện; thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng hướng tới cơ quan Nhà nước “không giấy tờ”. Đẩy mạnh việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm tạo sự minh bạch trong thực hiện dịch vụ công của các cơ quan hành chính Nhà nước. Tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, nhất là các TTHC về đất đai, xây dựng; giáo dục – đào tạo. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 chỉ số hài lòng của ND, TC đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh thuộc nhóm khá trong bảng xếp hạng cả nước.

Theo Báo Nam Định

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo