Chặng đường gần 11 năm xây dựng và phát triển thành phố, diện mạo đô thị có nhiều đổi mới; kinh tế duy trì tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2020, lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 78,2%; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 456 tỷ đồng, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, giai đoạn 2011 – 2020 đạt 13.350 tỷ đồng. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật – hạ tầng xã hội từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Tại 3 xã ngoại thành, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đưa thành phố Hà Giang trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/năm; lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục được mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng. 14/15 trường mầm non công lập đạt chuẩn Quốc gia; 8/8 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3; giai đoạn 2015 – 2021, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 100%, chuyển tiếp THPT đạt tỷ lệ 98,7%, học sinh tham gia giáo dục nghề nghiệp đạt 1,3%, 8/8 xã, phường được công nhận và giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục THCS. 100% đội ngũ cán bộ quản lý các trường học có trình độ chuẩn và trên chuẩn. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt; đời sống tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Không dừng ở kết quả trên, ngày 13.10.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1578, phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035. Trong đó xác định rõ mục tiêu: Phát triển đô thị Hà Giang theo hướng các tiêu chí đô thị loại II, không gian được mở rộng, khu vực phát triển hiện hữu được nâng cấp, đảm bảo phát triển tiềm năng, thế mạnh khu vực, gìn giữ bản sắc, cảnh quan tự nhiên, kiến trúc, văn hóa truyền thống của đô thị; hỗ trợ, thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu vực khác của tỉnh nói riêng, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung.
Kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí đô thị loại II của thành phố Hà Giang theo Nghị quyết số 1210, 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính: Tính đến 31.12.2020, thành phố Hà Giang đạt 51/59 tiêu chí, đạt 71,5/100 điểm; trong đó có 30 tiêu chí đạt, 21 tiêu chí đạt thấp và 8 tiêu chí chưa đạt liên quan đến: Tỷ lệ tăng dân số hàng năm; mật độ dân số toàn đô thị; mật độ đường cống thoát nước chính; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật… Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang, Đào Quang Diệu cho biết: Hiện nay, thành phố đang tập trung tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Nghị quyết và Đề án xây dựng thành phố Hà Giang đến năm 2025 đạt các tiêu chí đô thị loại II. Trên cơ sở đó, từng bước xây dựng và phát triển thành phố theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, sáng – xanh – sạch – đẹp, mang đậm nét đặc thù của đô thị miền núi, có nền KT-XH phát triển ổn định, bền vững.
Có thể nói, việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị loại II là nhu cầu tất yếu của thành phố nói riêng, của tỉnh nói chung; là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn về quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, phát triển KT-XH của thành phố cũng như toàn tỉnh. Thành phố Hà Giang chính là chủ thể tiên phong trên các lĩnh vực, làm động lực, đầu kéo thúc đẩy KT-XH của các địa phương khác trong tỉnh.
Theo Báo Hà Giang