Chiều 24/8, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam tổ chức họp báo trực tuyến công bố báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8 năm 2021 với tựa đề “Việt Nam số hóa – con đường đến tương lai”. World Bank dự báo, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5 – 7,0% từ năm 2022 trở đi.
World Bank nhận định trong báo cáo, với bối cảnh bất định trên toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021, nhưng hiện tại, đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng, nhất là từ đợt dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 4/2021.
Từ các dữ liệu đã thu thập và phân tích, World Bank cũng đưa ra nhận định về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7,0% từ năm 2022 trở đi. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến đạt 4,8% năm 2021, dù nền kinh tế đã ghi nhận những kết quả vững chắc trong nửa đầu năm nay
Chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank tại Việt Nam Dorsati Madani cho biết: “Khi nào nhìn vào viễn cảnh năm 2021, chúng tôi xem xét đến thực tế kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chúng tôi ước đoán tăng trưởng kinh tế khoảng 4,8% năm 2021, thấp hơn 2 điểm % so với dự báo cuối tháng 12/2020. Do còn nhiều bất định về những gì diễn ra trên toàn cầu, về dịch Covid 19 nên con số dự báo đó vẫn có nguy cơ suy giảm”. Bên cạnh đó, bà Dorsati Madani cũng nhận định, từ đầu tháng 5/2021, các hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ của Việt Nam đã bị “bó buộc” bởi các biện pháp khoanh vùng và cách ly xã hội nhằm kiềm chế virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng.
Đến giữa tháng 7, các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng hơn, TP.HCM và các tỉnh phía Nam, sau đó là Hà Nội đã phải thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt (theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ) gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với rủi ro gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi các đối thủ có tốc độ tiêm vaccine vượt trội đang tái khởi động hoạt động sản xuất, gia tăng thị phần cung ứng do một số lĩnh vực, ngành hàng của Việt Nam bị đứt gãy sản xuất và còn yếu vì tác động của dịch Covid-19 từ năm ngoái.
World Bank cũng thông tin, các chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp bị gián đoạn do dịch Covid-19 buộc các đơn vị xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy, hoặc đình hoãn sản phân tích vấn đề, nền kinh tế Việt Nam có phục hồi vào nửa sau năm 2021 còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch hiện nay. Đồng thời, cũng tùy thuộc vào hiệu quả triển khai vaccine và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng cũng như các kích thích sự phục hồi kinh tế.
“Tuy nhiên, các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5-7% từ năm 2022 trở đi. Để giải quyết vấn đề, các cấp có thẩm quyền cần xử lý những hệ quả do dịch Covid-19 bằng cách cải thiện chiều sâu và các chương trình an sinh xã hội. Cùng đó, cảnh giác với rủi ro gia tăng ở khu vực tài chính, cụ thể là vấn đề nợ xấu. Chính sách tài khóa cũng cần được quan tâm hơn nữa và các nhà hoạch định chính sách cần tìm cách cân đối cho phù hợp giữa nhu cầu hỗ trợ phục hồi kinh tế và nhu cầu duy trì nợ công ở mức bền vững” World Bank khuyến cáo.
BK