Kinh tế Thủ đô ‘vượt sóng’ thành công

Kinh tế Thủ đô 'vượt sóng' thành công- Ảnh 1.

Nền kinh tế Hà Nội đang phục hồi rõ nét trong những tháng đầu năm 2024 và hiện vẫn tiếp tục có xu hướng tăng trưởng mạnh trong những tháng tới. Đặc biệt, 3 “chân kiềng” là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều đang bứt phá mạnh mẽ, hứa hẹn đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế Thủ đô trong những tháng tiếp theo.

Kinh tế Thủ đô 'vượt sóng' thành công- Ảnh 1.

                  Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may những tháng đầu năm 2024 tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2023, mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu của Thành phố còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu giảm tại nhiều quốc gia, các thị trường quan trọng, đối tác thương mại lớn của Việt Nam và các thị trường truyền thống của Hà Nội giảm sút.

Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực và giải pháp thích ứng, xuất khẩu Hà Nội đã “vượt sóng” thành công, tạo tiền đề quan trọng, góp phần đưa Thủ đô vững bước phát triển vào năm 2024.

Các doanh nghiệp Thủ đô cũng đã nỗ lực tìm kiếm, xâm nhập vào các thị trường mới, có thêm gần 10 thị trường xuất khẩu mới trong năm 2023, nâng tổng số thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội lên 205 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bước sang những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Hà Nội đã dần “bứt tốc”. Riêng tháng 2/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 1.423 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: Máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 18,3%; hàng dệt may tăng 10,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 36,7%; xăng dầu tăng 31,8%; hàng nông sản tăng 97,1%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 42,4%.

Tính chung 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 2.946 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đều có lượng đơn xuất khẩu tăng so với cùng kỳ. Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024, các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày đã chủ động các phương án sản xuất để đáp ứng yêu cầu đơn hằng ngày càng phức tạp về chi tiết và yêu cầu nhanh về tiến độ.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, năm 2024, bên cạnh mở rộng thêm các thị trường mới, sản phẩm mới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa.

“Tính đến hết thời điểm tuỳ từng chủng loại mặt hàng như veston cao cấp thì chúng tôi đã có đến hết tháng 6, thậm chí đến hết tháng 9 năm nay. Hiệu quả kinh doanh có thể chưa thực sự hồi phục do đơn giá bị khách yêu cầu giảm nhưng đã có dấu hiệu hồi phục về lượng”, ông Việt nói.

Thống kê cũng cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội đạt 138,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 89,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,7% tổng mức và tăng 12,6%.

Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Trong 2 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố thu hút 899 triệu USD vốn FDI. Bên cạnh đó, Hà Nội có 3.508 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký đạt 49,1 nghìn tỷ đồng, tăng 32%…

Chia sẻ với phóng viên, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, những kết quả trên cho thấy trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế Thủ đô đã dần khởi sắc và tiếp tục có sự tăng trưởng tích cực với nhiều điểm sáng như vốn đầu tư tăng mạnh, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI; sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hóa, xuất nhập khẩu hàng hóa và du lịch đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước…

Kinh tế Thủ đô 'vượt sóng' thành công- Ảnh 2.

                                          Sản xuất hàng hóa tại một doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Tự tin hoàn thành kế hoạch năm bản lề

TP. Hà Nội đã, đang, sẽ tiếp tục phát huy vị thế Thủ đô, đồng hành và xứng đáng là trung tâm động lực, đầu tàu kinh tế mạnh mẽ, ổn định và tin cậy của cả nước. Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết XVII Đại hội Đảng bộ Thành phố.

Bởi vậy, phát huy các thành tựu đã đạt được, nhìn thẳng vào những khó khăn thực tiễn, bám sát Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 được thông qua tại Kỳ họp 14 HĐND TP. Hà Nội 6/12/2023, toàn thể hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân Thủ đô chủ động và tự tin tiếp tục thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”, thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô.

Đẩy mạnh và tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các khâu đột phá, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với quyết tâm, kiên định hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2021-2025, ngành công thương đã xác định một số chỉ tiêu tăng trưởng của ngành trong năm 2024, đó là giá trị tăng thêm ngành công nghiệp khoảng 7,0%-7,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4%-5%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng khoảng 10%-11%; Chỉ số giá tiêu dùng kiểm soát tăng dưới 4%…

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Hà Nội sẽ triển khai có hiệu quả lĩnh vực thương mại điện tử; tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa trên môi trường kinh doanh mạng; tập trung giải quyết tồn tại 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thực hiện chỉnh trang hạ tầng các cụm công nghiệp; hoàn thành khởi công các cụm công nghiệp còn lại…

Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp mở các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững, chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề được xuất khẩu trực tiếp; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành chuyển đổi số…

Từng bước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số ngành, sản phẩm công nghiệp ưu tiên có lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và giá trị cao trong chuỗi sản xuất…

TP. Hà Nội cũng sẽ tranh thủ cơ hội để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực FDI, tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển doanh nghiệp bản địa; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…

“Với những tín hiệu tích cực về kinh tế trong những tháng đầu năm 2024, kỳ vọng kinh tế Thủ đô sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng tiếp theo của năm 2024”, bà Lan mong muốn.

Chinhphu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo