Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 tăng trưởng bình quân 11,5-12%/năm, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Các ngành công nghiệp chủ lực như chế biến nông sản, sản xuất năng lượng, dệt may có mức tăng trưởng tốt.
Công nghiệp chế biến nông sản đã trở thành một lĩnh vực đáng chú ý trong việc đầu tư và phát triển, với sự tăng quy mô và ứng dụng công nghệ. Qua việc xây dựng các mô hình trung tâm sau thu hoạch và nhà máy chế biến nông sản, cùng với việc thiết lập các dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, đã tác động tích cực đến việc nâng cao tỷ lệ sơ chế và chế biến nông sản lên trên 70%, trong đó chế biến chiếm khoảng 22%.
Giai đoạn 2019 – 2023, sản phẩm bia đóng lon đạt 462,53 triệu lít, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2023, đạt 36,88%; còn sợi len lông cừu đạt 5.971 tấn, tăng trưởng bình quân đạt 46,56% và alumin quy đổi đạt 3.491,98 ngàn tấn, tăng trưởng bình quân đạt 3,19%. Trong đó, nhà máy sợi len lông cừu mở rộng sản xuất, lắp ráp thêm 1 dây chuyền sản xuất mới đưa vào hoạt động trong năm 2023.
Cũng trong giai đoạn 2019 – 2023, các mặt hàng tơ xe, lụa tơ tằm, sản phẩm may, len có sự tăng trưởng nhờ có sự đóng góp của Nhà máy Sản xuất tơ và dệt lụa Công ty TNHH SunFeel Việt Nam tại Khu công nghiệp Phú Hội với công suất dệt lụa xa tanh 2,2 triệu mét/năm, tơ 300 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy Sợi len lông cừu tại Cụm công nghiệp Phát Chi, công suất 4.000 tấn/năm, xuất khẩu 50% sản lượng. Tuy nhiên, sản lượng sản phẩm sợi, tơ lụa, quần áo may sẵn giảm qua các năm, đặc biệt là từ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, khó khăn về thị trường tiêu thụ. Riêng sản phẩm sợi len lông cừu có sự tăng trưởng tốt từ khi dự án đi vào hoạt động từ năm 2019 đến nay. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết, cụm dệt may tập trung tại TP Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, Đạ Tẻh… thúc đẩy phát triển diện tích trồng dâu, nuôi tằm; bước đầu hình thành công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may với một số sản phẩm như tơ lụa, vải dệt và sợi len lông cừu… Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp se tơ, dệt lụa trên địa bàn tỉnh cũng đã mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm mới, tự thiết kế mẫu mã sản phẩm phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước.
Trong giai đoạn 2019-2023, toàn tỉnh thu hút được 4 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp, với tổng vốn đầu tư 125 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh có 12 dự án năng lượng được đầu tư và đưa vào hoạt động, trong đó 11 dự án thủy điện và 1 dự án điện gió. Đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 37 dự án thuỷ điện. Hiện nay có 8 dự án thuỷ điện đang trong giai đoạn xây dựng và chuẩn bị đầu tư với công suất 133,8MW và 3 dự án điện gió với công suất 148MW.
Cũng trong giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh quyết định thành lập 4 làng nghề tiểu thủ công nghiệp: Làng nghề trồng và chế biến tre tầm vông Tố Lan (năm 2021), làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm buôn Ka Tung (năm 2022); làng nghề truyền thống đan lát (năm 2022), làng nghề dệt thổ cẩm thôn Klong (2023). Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp luôn duy trì, ổn định, khai thác phục vụ khách du lịch, hiện đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã hướng đến xuất khẩu.
Báo Lâm Đồng