5 huyện ngoại thành TPHCM được đề xuất xây dựng thành 3 thành phố, với thành phố phía Bắc (Củ Chi và Hóc Môn), thành phố phía Tây (Bình Chánh) và thành phố phía Nam (Nhà Bè và Cần Giờ).
Đề xuất trên được nêu trong dự thảo quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được lấy ý kiến.
Trong dự thảo, nhóm tư vấn đề xuất định hướng phát triển hệ thống đô thị TPHCM trong tương lai bao gồm một đô thị trung tâm (gồm 15 quận), TP Thủ Đức và 3 thành phố song hành.
Thành phố phía Bắc gồm hai huyện Hóc Môn và Củ Chi với định hướng phát triển sinh thái nông nghiệp – nông thôn, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp sinh thái, dịch vụ. Trong đó, huyện Hóc Môn sẽ là trung tâm hành chính, chính trị của thành phố phía Bắc.
Thành phố phía Tây gồm toàn bộ huyện Bình Chánh với định hướng hình thành trung tâm y tế, đào tạo, sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, triển lãm – hội trợ quốc tế.
Thành phố phía Nam gồm huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Trong đó, Nhà Bè sẽ là nơi sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, logistics, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ. Cần Giờ sẽ là trung tâm kinh tế biển, cảng trung chuyển quốc tế, công nghiệp gắn với cảng, du lịch sinh thái, bảo tồn sinh quyển.
Theo đơn vị tư vấn, đề xuất này phát triển ý tưởng trước đây của quy hoạch chung TPHCM về một thành phố trung tâm và 4 thành phố song hành ở 4 phía. Trong đó, Thủ Đức là thành phố song hành lớn nhất và đã được tách thành thành phố trực thuộc thành phố.
3 thành phố còn lại cũng sẽ là 3 thành phố lớn, với quy mô khoảng 2 triệu dân mỗi thành phố. Thậm chí, trong tương lai, có thể lấy một phần của các quận nội thành (khu vực ngoài Vành đai 2) vào ranh giới các thành phố song hành, để tăng quy mô kinh tế, diện tích cũng như dân số của các thành phố này.
Tuy nhiên, khác với mô hình của quy hoạch chung cũ là tạo ra 4 đô thị vệ tinh, tách biệt khỏi khu vực trung tâm bằng những hành lang xanh, sau đó kết nối nhanh vào trung tâm bằng giao thông công cộng thì các đô thị song hành này tạo ra những tâm phát triển mới trong một vùng đô thị lớn. Nói cách khác là các thành phố này không tách khỏi vùng trung tâm hiện hữu, mà bổ sung thêm những trung tâm mới, tạo thành hệ thống đô thị đa tâm.
Theo đơn vị tư vấn, với kịch bản này, những phát triển hạ tầng mới, đặc biệt là Vành đai 3 TPHCM sẽ được phát huy tốt hơn, tạo ra những khu vực động lực kinh tế mới cho thành phố.
Tại hội thảo khoa học góp ý dự thảo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND TPHCM tổ chức ngày 31.1, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, TPHCM nên quy hoạch thêm 2 thành phố trong thành phố ở phía Nam và phía Bắc.
Theo đề xuất của ông Ngô Viết Nam Sơn, nên cắt huyện Bình Chánh ra hai phần phía Nam và phía Bắc.
Từ đó, thành phố phía Nam là huyện Nhà Bè, Quận 7, Quận 8 và phía Nam huyện Bình Chánh.
Thành phố phía Bắc là huyện Hóc Môn, Củ Chi và phía Bắc huyện Bình Chánh.
“TPHCM sẽ có đô thị loại đặc biệt ở trung tâm và 3 thành phố trong thành phố là TP Thủ Đức, phía Nam và phía Bắc. Việc phân chia này không đơn thuần là diện tích hay quản lý đô thị mà tính đến cả việc tác động kinh tế – xã hội của thành phố. Phía Nam sẽ phát triển kinh tế biển, còn phía Bắc phát triển kinh tế nối với Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long” – ông Ngô Viết Nam Sơn nói.
Theo TS Trần Du Lịch, ngoài đồ án quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố cũng đang hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Do đó, ông Trần Du Lịch kiến nghị UBND TPHCM nên tổ chức hội thảo có cả hai nhóm chuyên gia tư vấn hai quy hoạch này để bàn về định hướng phát triển không gian đô thị là trong tương lai thành phố có thêm bao nhiêu đô thì và tiêu chí xác định.
Báo Lao Động