Chiều ngày 10/01/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đồng chủ trì buổi làm việc về đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI
Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội ban hành; Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo rà soát, ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để vừa tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, 04/11/2023 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 162/NQ-CP phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Trong đó, Chính phủ giao UBND tỉnh Nghệ An chủ trì xây dựng Đề án đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Nghệ An xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội ban hành.
Trên cơ sở đó, tỉnh Nghệ An đã xây dựng Đề án đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh. Dự thảo Đề án gồm 04 phần chính, gồm: sự cần thiết, cơ sở, quan điểm; Đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội; Nội dung đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Đánh giá tác động, dự kiến nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Nghệ An, gồm lãnh đạo Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Quản lý khu kinh tế… đã làm rõ thêm các nhóm cơ chế, chính sách liên quan được đề xuất; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề được nêu. Các ý kiến cho rằng, việc bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, góp phần quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, trong thực hiện các công việc thường xuyên cũng như trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, tỉnh Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời nhấn mạnh thêm đến những kết quả đạt được của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua, đặc biệt trong điều kiện có các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành.
Theo đó, tỉnh đã phát triển từ tỉnh khó khăn thành tỉnh khá; kinh tế tăng trưởng khá nhanh, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô kinh tế được mở rộng; cơ cấu chuyến dịch kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh; thu ngân sách đạt kết quả tích cực;…
Tuy nhiên, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức và để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng tỉnh phát triển toàn diện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh Nghệ An đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, góp phần quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo Dự thảo Đề án, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An (3 nhóm lĩnh vực với 6 cơ chế, chính sách), tỉnh Nghệ An đề xuất xây dựng Nghị quyết mới bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù gồm 05 nhóm lĩnh vực với 23 chính sách, trong đó có 13 chính sách áp dụng tương đồng với các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội ban hành và 10 chính sách tỉnh đề xuất mới. Cụ thể về quản lý tài chính – ngân sách nhà nước (07 chính sách); quản lý quy hoạch đô thị, tài nguyên và môi trường (06 chính sách); quản lý đầu tư (04 chính sách); phát triển kinh tế biển (02 chính sách); quản lý đầu tư (02 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (04 chính sách).
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao tỉnh Nghệ An đã chủ động trong việc phối hợp xây dựng Đề án, đưa ra được các chính sách cụ thể; đồng thời đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Nghệ An đã phân tích kỹ lý do, đánh giá tác động của các nhóm chính sách; đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu rõ quan điểm đối với đề xuất theo chức năng nhiệm vụ của mình.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn và dân số đông; do vậy, việc xây dựng Đề án bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logictics, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Theo Thứ trưởng, các chính sách áp dụng tương đồng với các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội ban hành và các chính sách tỉnh đề xuất mới đã bám sát các quy định tại Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 36 của Quốc hội; đồng thời nhấn mạnh vào các chính sách cụ thể được đề xuất và cho rằng, cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra giám sát, phù hợp để các cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo quy định và phù hợp với bối cảnh thực tiễn./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư