Ảnh minh họa.
Các nhà khai thác viễn thông châu Âu cho rằng các công ty công nghệ Mỹ chiếm hơn một nửa lưu lượng truy cập Internet và phải chịu một phần chi phí nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông.
Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn trang tin euractiv.com cho biết, ngày 26-9, Deutsche Telekom, Orange, Telefonica và 13 nhà cung cấp viễn thông khác của châu Âu đã thực hiện một nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm buộc các công ty công nghệ lớn của Mỹ (Big Tech) chia sẻ chi phí mạng do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng và các mục tiêu về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU).
Lời kêu gọi được đưa ra khi Ủy ban châu Âu (EC) đang thu thập phản hồi từ cả hai phía trước khi đưa ra một đề xuất pháp lý có thể buộc Big Tech giúp chi trả cho việc triển khai mạng 5G và cáp quang tại toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU.
Giám đốc điều hành (CEO) của 16 nhà cung cấp trên cho biết ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng của lĩnh vực này là 50 tỷ euro/năm, khoản đầu tư đó cần thêm vốn và đây là nhu cầu mang tính cấp bách.
Theo các CEO, chi phí quy hoạch và xây dựng ngày càng tăng. Đơn cử, giá cáp quang đã tăng gần gấp đôi trong nửa đầu năm 2022. Tương tự, tình trạng tăng giá năng lượng và các nguyên liệu đầu vào khác cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực kết nối. Do đó, đã đến lúc phải hành động vì châu Âu đã bỏ lỡ nhiều cơ hội do người dùng mạng Internet tạo ra. Giờ là lúc châu Âu phải chuyển sang xây dựng sức mạnh cho kỷ nguyên của vũ trụ ảo (metaverse).
CEO của các nhà cung cấp viễn thông châu Âu khẳng định để thực hiện được điều đó và duy trì bền vững theo thời gian, các công ty tạo ra lưu lượng truy cập lớn nhất nên đóng góp một cách công bằng vào chi phí đáng kể mà các công ty này đang áp lên các mạng của châu Âu.
Các bên còn lại cùng đưa ra tuyên bố chung nêu trên còn có Vodanfone, Bouygues Telecom, KPN, BT Group, TIM Group, Telia Company, Fastweb và Altice Portugal.
Các nhà khai thác viễn thông châu Âu cho rằng các công ty công nghệ Mỹ như Google của Alphabet, Meta và Netflix chiếm hơn một nửa lưu lượng truy cập Internet và phải chịu một phần chi phí nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông.
Big Tech đã từ chối những yêu cầu như vậy và khẳng định đã đầu tư vào thiết bị và công nghệ để cung cấp nội dung hiệu quả hơn.
Theo VietnamPlus