Toàn tỉnh hiện có 18 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 15 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký trên 1.617 tỷ đồng; có 3 doanh nghiệp có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ trên 51% vốn điều lệ.
18 dự án đầu tư nước ngoài của 15 nhà đầu tư bao gồm 7 nhà đầu tư Hàn Quốc, 5 nhà đầu tư Trung Quốc, 2 nhà đầu tư Samoa, 1 nhà đầu tư Australia với vốn đăng ký trên 7.199 tỷ đồng (tương đương 0,3 tỷ USD). Các dự án thực hiện trong lĩnh vực may mặc, sản xuất bao bì, gang thép, thiết bị điện tử, chế biến rau, quả… Có được kết quả này là nhờ tỉnh đã tích cực đổi mới, đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo mặt bằng triển khai dự án…
Các dự án của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu đặt tại các khu, cụm công nghiệp. Doanh thu năm 2021 đạt 7.804 tỷ đồng (tăng 89,8% so với năm 2020); lợi nhuận thực hiện đạt 281,8 tỷ đồng, trong đó: 8/18 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả với lợi nhuận thực hiện đạt 441,1 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước đạt 69,7 tỷ đồng (tăng 125% so với năm 2020 (30,97 tỷ đồng). 8 tháng đầu năm 2022, đóng góp của các doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước là 13,72 tỷ đồng, có 8 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu với giá trị xuất khẩu 94,41 triệu USD. Các dự án đã giải quyết việc làm cho hơn 10.200 lao động và thực hiện các chế độ cho người lao động với thu nhập bình quân năm 2021 trên 5,3 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang, tại Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và tinh luyện gang thép với các sản phẩm chính như: Quặng, gang, phôi thép, thép vằn, thép dây, thép cây… Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang cho biết: “Suốt quá trình hoạt động, công ty luôn được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Hiện, công ty đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đội ngũ nhân lực chủ chốt có trình độ kỹ thuật và nghiệp vụ kinh doanh. Dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại hóa khép kín, bao gồm hệ thống thăm dò khai thác mỏ, xưởng tuyển quặng, lò cao luyện gang, lò thổi ôxy luyện thép, dây chuyền cán thép tốc độ cao… Công ty có thể sản xuất ra các loại vật liệu thép chất lượng cao. Hằng năm, công ty sản xuất 300 – 400 nghìn tấn thép, doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng. Công ty đảm bảo việc làm cho hơn 1.000 lao động với mức thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH MSA-YB, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) chia sẻ, ngoài việc được tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cũng như các thủ tục hành chính khác thì công ty còn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh. Nhất là trong đợt dịch Covid-19 bùng phát tại công ty đợt đầu năm 2022, nhờ sự vào cuộc hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh nên dịch Covid-19 tại công ty được khống chế và dập dịch kịp thời. Từ đó cho đến nay công ty ổn định và đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025 thu hút được khoảng 45.000 – 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 15.000 – 20.000 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài theo hướng chọn lọc, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh, có số thu ngân sách lớn. Đồng thời quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, có giá trị gia tăng cao
Ông Trần Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, Ban sẽ tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư, nâng cao tính chuyên nghiệp, đổi mới nội dung xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và tọa đàm với doanh nghiệp đã đầu tư tại tỉnh nhằm lắng nghe, chia sẻ và giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, tham mưu thúc đẩy tăng cường liên kết, kết nối với các địa phương lân cận, phát triển chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp nước ngoài phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng quy mô và chiều sâu…
Theo Báo Tuyên Quang