Nhiều mô hình Hợp tác xã sản xuất lúa ở Sóc Trăng phát huy hiệu quả cao.
Từ nhiều năm qua dựa vào lợi thế địa lý, điều kiện tự nhiên tỉnh Sóc Trăng phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng. Hầu khắp các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản đều đạt sản lượng hàng hóa lớn.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sóc Trăng thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo đó đặt trọng tâm từng bước chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”.
Trải qua một năm 2021 vượt qua đại dịch COVID-19 bộn bề khó khăn, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng, nhận định: Tình hình dịch COVID-19 tạm lắng, các cấp lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phấn đấu thực hiện thắng lợi và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 giao cho ngành Nông nghiệp.
Từ đầu năm 2022 Sở NN&PTNT Sóc Trăng bắt tay triển khai đồng bộ các giải pháp từng bước ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng chuyên canh. Cơ cấu lại mùa vụ, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi giá trị, tổ chức liên kết, không để đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các địa phương rà soát, chủ động cho vụ sản xuất tiếp theo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản tham gia liên kết với các HTX, tổ hợp tác nông dân để có nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu.
Ông Nhã nhấn mạnh: Mục tiêu chuyển đổi từ “hỗ trợ kinh tế hộ” sang mục tiêu “hỗ trợ kinh tế tập thể”, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp và hình thức hợp tác khác. Phát triển kinh tế hợp tác gắn với các chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh, mô hình về kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, trong quản lý vùng chuyên canh, truy xuất nguồn gốc; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, quản lý thông tin và cảnh báo dịch bệnh. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất đa mục tiêu, trong đó có kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Trong những năm qua từ kết quả quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp địa phương, tỉnh Sóc Trăng đã hình thành vùng sản xuất trên cơ sở lợi thế nông nghiệp của tỉnh trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm nông – thủy sản, tăng lợi tức và nâng cao đời sống cho nông dân.
Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, trên nền tảng thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, năm 2020 sản lượng lúa của tỉnh đạt trên 2 triệu tấn, trong đó lúa đặc sản chiếm trên 52%. Sản lượng thủy sản đạt trên 325.000 tấn… Tỉnh đã mở rộng diện tích cây ăn trái chất lượng cao, nâng tổng diện tích vườn cây ăn trái khoảng 28.000ha. Trong đó, xây dựng được 46 mã code ở 16 vùng trồng với diện tích 442ha, tập trung ở các loại cây xoài, vú sữa, nhãn, bưởi xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ…
Năm 2022 tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu giữ vững sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn, trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 76%. Màu và cây công nghiệp ngắn ngày 56.000ha, vườn cây ăn trái gieo trồng 29.200ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh thực hiện tổng đàn gia súc 303.600 con, trong đó 54.000 con bò (9.000 con bò sữa), đàn heo 237.000 con, đàn trâu 2.600 con, đàn dê 10.000 con và đàn gia cầm 7 triệu con. Về sản lượng thủy hải sản đạt 352.000 tấn, trong đó sản lượng tôm nước lợ 196.000 tấn… Phấn đấu đạt giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 213 triệu đồng/năm.
Dựa vào lợi thế sản phẩm nông sản, đặc sản từ các giống cây trồng bản địa đã giúp nông dân gia tăng lợi tức, nâng cao thu nhập từ trồng các giống lúa thơm đặc sản ST. Tỉnh Sóc Trăng tiếp tục khuyến khích nông dân sản xuất, tập trung triển khai tốt Dự án Phát triển lúa đặc sản. Bên cạnh đó, dự án phát triển cây ăn trái đặc sản, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, hình thành vùng sản xuất lúa đặc sản, bố trí cơ cấu lại mùa vụ sản xuất phù hợp với lợi thế của từng vùng.
Theo Báo Cần Thơ