Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Lê Minh Hoan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tối 22/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã có cuộc họp với các đơn vị trực thuộc và hiệp hội ngành hàng về công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản.
Trước việc báo chí thông tin về tình trạng rau sạch dởm “biến hình” vào siêu thị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan kêu gọi sự vào cuộc của hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tạo dựng hệ sinh thái lành mạnh. Ngoài chuỗi ngành hàng còn hệ sinh thái ngành hàng, tất cả đều cần có trách nhiệm xã hội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng chuỗi các ngành hàng vẫn bị đứt gãy, giữa người sản xuất với người tiêu thụ, giữa người tiêu thụ với người tiêu dùng… “Sạch từ trang trại đến bàn ăn” là cả quá trình cần kết nối chuỗi ngành hàng đó. Trong chuỗi ngành hàng đó, bên cạnh việc cân bằng lợi ích của các bên thì còn là niềm tin. Tránh “treo đầu dê bán thịt chó” cần sự minh bạch trong các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ.
Theo Bộ trưởng, sản phẩm VietGAP hay hữu cơ chỉ là khuyến khích. Nhưng hàng gian, hàng giả có thể xử phạt. Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan nhà nước cần sự vào cuộc trách nhiệm của hiệp hội ngành hàng trong xây dựng hệ sinh thái ngành hàng.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, Bộ trưởng yêu cầu, các đơn vị của Bộ phải rà soát lại các chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho quản lý; cập nhật kịp thời cho phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản chia sẻ người tiêu dùng đang nghĩ sản phẩm tốt, sản phẩm chuẩn xuất khẩu còn sản phẩm trong nước không được như vậy. Sản phẩm xuất khẩu phải theo quy định thị trường nhập khẩu. Trước khi sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm phải được các cơ quan giám định.
Muốn giám sát, chuẩn hóa được cần có chỉ số đo lường, chẳng hạn hiện đang có VietGAP. Tuy nhiên quản lý sau chứng nhận VietGAP là bên thứ ba, không phải Nhà nước do đã xã hội hóa. Tuy nhiên, việc kiểm soát các đơn vị chứng nhận làm có đúng hay không thì chưa được tốt.
Nhà nước cần có các cơ chế, khuyến khích đủ mạnh, minh bạch để tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng rau an toàn. Tuy nhiên, việc kiểm soát không chỉ là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước mà cần có trách nhiệm từ người sản xuất, kinh doanh với nguyên tác người sau giám sát người trước để đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn. Do vậy, các nhà sản xuất, phân phối cần tăng cường giám sát các khâu trước.
Để giám sát sản phẩm, theo ông Nguyễn Như Tiệp, cần đặt ở 3 chỗ là nhà phân phối lớn, chợ đầu mối, bản thân người thực hành nông nghiệp tốt.
Ở góc độ từng là nhà bán lẻ, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ khi ký kết với nhà sản xuất phải có sự kiểm tra, kiểm soát, trước hết là về mặt giấy tờ. Nếu siêu thị làm bài bản còn có quy chuẩn riêng kèm theo sự giám sát tại cơ sở sản xuất. Cùng với đó là việc hạn chế mua của các nhà cung cấp trung gian vì khó quản lý đầu vào. Các siêu thị cần mua trực tiếp của các nhà sản xuất, hợp tác xã.
“Chúng tôi không phải chỉ biết bán hàng, hay khi xảy ra sự cố rồi đổ cho nhà sản xuất thì sẽ không tồn tại được. Chúng tôi cũng rất trăn trở làm thế nào để sản phẩm đến tay người tiêu dùng có chất lượng tốt,” bà Vũ Thị Hậu chia sẻ.
Bà Vũ Thị Hậu cho rằng các siêu thị cần rà soát các nhà cung cấp của mình. Đồng thời, cần nâng cao vai trò của địa phương, bởi cơ sở sản xuất ở địa phương nào thì chính quyền địa phương đó nắm sẽ rõ nhất.
Bà Vũ Thị Hậu cũng thông tin thị trường thường thiếu các sản phẩm trái vụ, nên các địa phương có thể sản xuất được loại sản phẩm này cần tăng cường như càrốt, hành tây, khoai tây… Bởi, đây là những sản phẩm rất dễ bị gian dối, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các tỉnh có thế mạnh có thể phát triển các sản phẩm trái vụ, nhất là các địa phương vùng cao.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã thực hiện kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng với 2.503 mẫu. Kết quả cho thấy có 40 mẫu vi phạm dư lượng, chiếm 1,6%. Kiểm tra vi sinh với 13 mẫu, kết quả không có mẫu nào vi phạm về chỉ tiêu vi sinh.
Đáng chú ý số cơ sở trồng trọt áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và tương đương tăng nhanh. Nếu năm 2018 có 1.845 cơ sở áp dụng VietGAP, VietGAHP với diện tích 20.000ha, năm 2021 là 6.211 cơ sở với 463.000ha. Trong 9 tháng năm 2022 là 8.304 cơ sở, với 480.000ha.
Theo TTXVN/Vietnam+