Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam (khu công nghiệp bờ trái sông Đà) tạo việc làm cho hơn 700 lao động, thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng.
Ngày 3/10/2017, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển vùng động lực (VĐL) tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. VĐL của tỉnh bao gồm TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn và phía Bắc huyện Lạc Thủy. Đây là vùng đô thị – công nghiệp, động lực phát triển KT-XH của tỉnh, tập trung đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, làm đầu tàu kéo các vùng lân cận.
Thực hiện nghị quyết, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu vào kế hoạch, chương trình hành động hàng năm để triển khai thực hiện. Các nguồn lực đầu tư được ưu tiên, tập trung để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, khu, cụm công nghiệp (CCN), hạ tầng du lịch… nhằm tạo thuận lợi thu hút đầu tư; đón các doanh nghiệp (DN), dự án lớn vào SX-KD trong vùng, từ đó có tác động lan tỏa đối với các địa phương khác.
Chia sẻ về giải pháp phát triển VĐL cũng như mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Lương Sơn cơ bản đạt tiêu chí đơn vị hành chính cấp thị xã, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Danh cho biết: Huyện tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch (QH) và quản lý QH, gồm QH tỉnh, QH sử dụng đất, QH xây dựng; đẩy mạnh xây dựng QH phân khu các khu vực kinh tế trọng điểm. Tập trung nguồn lực đầu tư các công trình để nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng. Xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù cho VĐL, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH. Đồng thời huyện thực hiện đồng bộ giải pháp, nhất là hoàn thiện các thể chế, cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn.
Với vai trò, trọng trách của VĐL, BTV Tỉnh ủy đã cho chủ trương để UBND tỉnh phê duyệt Đồ án điều chỉnh QH chung TP Hòa Bình đến năm 2035; Đồ án QH xây dựng vùng huyện Lương Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đồ án QH xây dựng vùng huyện Lạc Thủy đến năm 2040. Theo đó đã xác định không gian vùng, tổ chức hệ thống đô thị và hệ thống điểm dân cư nông thôn, định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồng thời xác định nguồn lực thực hiện và đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư cho các địa phương. Công tác QH đảm bảo là công cụ định hướng phát triển đô thị trên địa bàn các địa phương trong vùng.
Song song với đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được đặc biệt coi trọng. Bên cạnh sử dụng có hiệu quả nguồn NSNN, tỉnh đã huy động các nguồn vốn của DN, người dân, tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của VĐL. Trong 5 năm (2018 – 2022), tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng ước đạt 60.095 tỷ đồng, so với toàn tỉnh bằng khoảng 69%. Quá trình phân bổ vốn từ NSNN đã thực hiện quan điểm là ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng cho VĐL, vốn đầu tư của DN dân doanh và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng chiếm tỷ lệ rất lớn so với toàn tỉnh. Qua đó, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH của vùng từng bước được xây dựng đồng bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh nói chung và vị trí, vai trò của vùng nói riêng.
Những năm gần đây, điểm nhấn của VĐL là nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp như đường Hòa Lạc – TP Hòa Bình; cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 (đoạn Xuân Mai – Hòa Bình); các tuyến đường tỉnh 435, 445, 438B, đường nối từ quốc lộ 6 đến đường Chi Lăng – TP Hòa Bình, cầu Hòa Bình 3, cầu Hòa Bình 2… Hiện đã, đang triển khai, chuẩn bị đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm như: Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối quốc lộ 6; đầu tư, xây dựng đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (đoạn từ km19 – km53, trên địa bàn tỉnh) bằng nguồn đầu tư công có hỗ trợ từ ngân sách T.Ư; dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách T.Ư; đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu; đường kết nối thị trấn Lương Sơn – Xuân Mai (giai đoạn 1)… Ngoài ra, nhiều tuyến đường thuộc các huyện và giao thông nông thôn đã được đầu tư, nâng cấp.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, thủy lợi, cung cấp nước, hạ tầng CNTT cũng được giành nguồn lực đầu tư, phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh, thúc đẩy phát triển đô thị và phục vụ nhu cầu SX-KD của DN, nhà đầu tư.
Đặc biệt, với vai trò là vùng đô thị – công nghiệp, động lực phát triển KT-XH của tỉnh nên VĐL là nơi tập trung phần lớn các khu, CCN. Theo đó, trong vùng hiện có 7 khu công nghiệp (KCN), chiếm 87,5% tổng số KCN của toàn tỉnh. Giai đoạn 2018 – 2022 đã giao chủ đầu tư được 2 KCN, nâng tổng số KCN có chủ đầu tư hạ tầng lên 5 khu. Ngoài ra, VĐL có 10 CCN đã được quyết định thành lập với diện tích 514,2 ha, chiếm 47,6% số CCN của tỉnh. Hiện, 9/10 CCN đã, đang triển khai hạ tầng. Với việc tập trung các khu, CCN nên VĐL là khu vực thu hút hầu hết các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, khai thác khoáng sản với 290 dự án, chiếm 79% tổng số dự án thuộc lĩnh vực này trên toàn tỉnh.
Từ huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư nên VĐL là nơi tập trung nhiều nhất số lượng dự án, DN, tổ chức kinh doanh. Giai đoạn 2018 đến nay, toàn vùng có 2.092 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 43.720 tỷ đồng, bình quân hàng năm có khoảng 418 DN đăng ký thành lập mới. Lũy kế, toàn VĐL có 3.139 DN đang hoạt động, chiếm 71,3% tổng số DN trong tỉnh; trong đó có 1.603 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, chế biến; 1.309 DN lĩnh vực thương mại, dịch vụ; 346 DN nông, lâm, thủy sản và các lĩnh vực khác.
Cũng trong thời gian này, VĐL có 177 dự án đầu tư được cấp mới với tổng vốn đăng ký khoảng 69.995 tỷ đồng; bình quân hàng năm có 35 dự án đầu tư được cấp mới, tổng vốn đăng ký trung bình khoảng 13.999 tỷ đồng. Số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong vùng chiếm từ 52 – 87% số lượng dự án đầu tư được cấp mới của toàn tỉnh. Hiện, toàn VĐL có 401 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 113.077 tỷ đồng, chiếm 56,87% tổng số dự án và 64,5% tổng vốn đăng ký toàn tỉnh. Các lĩnh vực đầu tư tập trung gồm: Công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, thấu kính, công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước. Bên cạnh đó, trong vùng cũng tập trung nhiều dự án phát triển dịch vụ, du lịch như: Sân golf Phượng Hoàng, sân golf Hòa Bình – Geleximco, khu du lịch thác Thăng Thiên… và nhiều dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng, nhà vườn khác.
Đến nay, VĐL đã đóng góp 84% thu NSNN, 86,54% giá trị sản xuất công nghiệp và 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Những kết quả quan trọng đạt được từ chủ trương phát triển VĐL đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển KT-XH chung của toàn tỉnh.
Theo Báo Hòa Bình