Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát, đá, sỏi trái phép, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã tổ chức đấu giá, cấp phép khai thác hàng chục điểm mỏ trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh. Giấy phép khai thác (GPKT) khoáng sản do UBND tỉnh cấp, giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền các địa phương thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra việc khai thác, tình hình sử dụng đất theo quy định của Luật Khoáng sản và Luật Đất đai hiện hành.
Theo quy định, để có cơ sở xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các điểm mỏ được cấp có thẩm quyền cấp GPKT, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (trừ hộ kinh doanh) phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đến nay các điểm mỏ được cấp phép khai thác và đang hoạt động khai thác trên địa bàn tỉnh vẫn chưa chấp hành nghiêm túc quy định này.
Bà Đinh Thị Hồng Thu – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết: Tại địa phương hiện có 6 điểm mỏ đang hoạt động theo GPKT, hầu hết các điểm mỏ đều có lắp đặt trạm cân. Tuy nhiên, qua kiểm tra, hệ thống trạm cân tại các điểm mỏ hoạt động không đảm bảo hiệu quả để xác định sản lượng khai thác như việc tổng hợp số liệu, thông tin đã ghi chép, cập nhật đưa vào bảng thống kê theo các mẫu quy định tại Thông tư số 17/2020/TT-BTNMT ngày 24/12/2020 của Bộ TN&MT chưa đúng, chưa đầy đủ theo quy định.
Ông Võ Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở TN&MT thông tin với chúng tôi: Triển khai Luật Khoáng sản 2010 và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, Sở TN&MT ban hành nhiều văn bản, yêu cầu các tổ chức thực hiện lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 77 GPKT khoáng sản còn hiệu lực; trong đó có 68 GPKT khoáng sản thuộc đối tượng phải lắp đặt trạm cân, 9 GPKT khoáng sản không thuộc đối tượng lắp đặt trạm cân. Qua rà soát, trong số 68 GPKT khoáng sản thuộc đối tượng phải lắp đặt trạm cân, có 41 giấy phép đã đi vào hoạt động và thực hiện lắp đặt trạm cân, 25 giấy phép đã đi vào hoạt động nhưng chưa thực hiện lắp đặt trạm cân và 2 giấy phép chưa hoạt động khai thác.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đối với trạm cân, phải lắp đặt phù hợp với điều kiện địa hình, điều kiện khai thác của mỏ, đảm bảo kiểm soát được toàn bộ khoáng sản nguyên khai đưa ra khỏi khu vực được phép khai thác; chủng loại, kích thước của cân đặt tại trạm cân được lựa chọn phù hợp với quy mô, công suất, hạ tầng kỹ thuật của mỏ, loại hình mỏ, loại khoáng sản khai thác và loại phương tiện vận chuyển khoáng sản.
Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số điểm mỏ chưa lắp lắp đặt trạm cân. Nguyên nhân là do loại hình khai thác cát, sỏi dưới lòng sông khó thực hiện vì mùa mưa lũ thường xuyên bị ngập nước làm hư hỏng trạm cân. Thời gian tới, Sở TN&MT phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan yêu cầu các điểm mỏ chưa lắp đặt trạm cân khẩn trương nghiêm túc thực hiện quy định này.
Ông Võ Thanh Hải chia sẻ: Theo kế hoạch thanh tra được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2020 thanh tra 14 đơn vị, năm 2021 thanh tra 8 đơn vị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong 2 năm 2020-2021, Sở TN&MT chưa triển khai kế hoạch thanh tra chuyên đề về khoáng sản theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt mà chỉ phối hợp với các đoàn kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước và Bộ TN&MT kiểm tra, đôn đốc các đơn vị lắp đặt trạm cân, hệ thống camera giám sát và thống kê khoảng sản khai thác thực tế đúng theo biểu mẫu quy định.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các ngành, địa phương đôn đốc các tổ chức thực hiện lắp đặt trạm cân và hệ thống camera giám sát theo quy định, xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện. Đối với các trường hợp giấy phép hết thời hạn khai thác nhưng còn trữ lượng, xin lập thủ tục gia hạn giấy phép thì bắt buộc phải lắp trạm cân trước khi gia hạn GPKT. Đối với các đơn vị sau khi hoàn thiện các thủ tục quy định và thực hiện lắp đặt trạm cân và camera giám sát, Sở TN&MT mới xác nhận đủ điều kiện hoạt động khai thác.
Sở TN&MT đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, cần phối với các ngành của tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật. Mặt khác, các địa phương quan tâm thực hiện tốt Quyết định 568/QĐ-UBND ngày 21/6/2017 của UBND tỉnh về Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và Quyết định số 1023/QĐ-UBND ngày 19/10/2020 của UBND tỉnh về Phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Kon Tum