Ảnh minh họa. (Nguồn: Vneconomy.vn)
Kể từ sau khi thiết lập được mức đáy quanh 1.140 điểm vào đầu tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có liên tiếp 4 tuần hồi phục và hiện đã vượt qua được ngưỡng 1.250 điểm.
Đáng chú ý là thanh khoản được cải thiện đáng kể trong tuần qua và hiện đã vượt qua được mức trung bình 20 tuần gần nhất.
Đây là tuần thứ hai trong năm nay đạt được điều này cho thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường đang được cải thiện.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), các nhóm ngành cổ phiếu đã giảm mạnh trong thời gian trước đây như ngân hàng, chứng khoán, thép… đã có sự trở lại trong tuần qua để dẫn dắt thị trường chung đi lên.
Với bốn phiên tăng điểm vào đầu tuần và chỉ một phiên điều chỉnh nhẹ vào cuối tuần với thanh khoản cũng có sự suy giảm cho thấy áp lực bán ra là không thực sự mạnh.
Do đó, xu hướng trong ngắn hạn của thị trường vẫn nghiêng về tích cực và chỉ số VN-Index có thể hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.260-1.285 điểm trong thời gian tới.
Về góc nhìn trung và dài hạn, thị trường vẫn đang hình thành vùng tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình nhiều năm, trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì, qua đó có nhiều cơ hội chọn lọc đầu tư.
Nhà đầu tư có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng, ưu tiên các mã đã có báo cáo quý 2 năm 2022 duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực và đang thu hút dòng tiền ngắn hạn gia tăng, SHS khuyến nghị.
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, dù để mất điểm trong phiên cuối tuần nhưng thị trường cũng đã khép lại tuần tăng thứ 4 liên tiếp-chuỗi tăng theo tuần dài nhất hơn 1 năm qua.
Thanh khoản thoát đáy đang là điểm tựa cho nhịp phục hồi của thị trường, kể cả trong kịch bản thị trường có chịu áp lực chốt lời hay điều chỉnh.
Về kỹ thuật, vùng cản 1.250-1.262 điểm tiếp tục là thử thách cho chỉ số VN-Index trong tuần tới, nếu thanh khoản tiếp tục được duy trì ở vùng 13.500-15.000 tỷ đồng, các nhịp rung lắc sẽ không đáng ngại.
Về yếu tố vĩ mô, theo báo cáo chiến lược đầu tư tháng 8 của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ở thời điểm hiện tại, VDSC nhận thấy một số tín hiệu tích cực về khả năng hạ nhiệt của lạm phát toàn cầu trong số liệu tháng 7, khi các chỉ số về giá dầu, giá cả hàng hóa chung và hoạt động lưu thông hàng hóa đều có xu hướng cải thiện khả quan so với tháng 6.
VDSC cũng đánh giá đây sẽ là thông tin tích cực nhất hỗ trợ cho VN-Index trong tháng 8.
Đồng thời, việc lạm phát được dự báo hạ nhiệt kỳ vọng nếu giá dầu vẫn giữ ổn định, hoặc có xu hướng giảm trong thời gian tới sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có dư địa để xem xét lại mức độ cũng như lộ trình nâng lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế tốt hơn.
Trong nước, mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn giữ ở mức 14% cả năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định lãi suất, tỷ giá trong nước.
Tính đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 9,42% so với đầu năm, như vậy hạn mức tín dụng năm tháng còn lại là 4,6%.
Điều này dẫn tới các ngân hàng thương mại chưa có nhiều động lực tăng huy động tiền gửi. Từ đó VDSC kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ chưa có nhiều thay đổi trong tháng 8.
Xét về hoạt động kinh doanh doanh nghiệp, sau mùa Báo cáo tài chính quý 2, tháng 8 thường sẽ đi vào vùng trống thông tin để thị trường có các cơ sở thay đổi định giá.
Đồng thời, nhìn xa hơn triển vọng kinh doanh các ngành trong quý 3, ở thời điểm hiện tại VDSC vẫn giữ quan điểm trung lập – khả quan về mức độ tác động tổng thể các ngành lên VN-Index.
VDSC kỳ vọng, VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.200-1.300 điểm ở tháng 8. Nhà đầu tư có thể giải ngân trở lại một phần danh mục cho chiến lược ngắn hạn và vẫn ưu tiên giữ môt lượng tiền mặt dành cho chiến lược đầu tư dài hạn khi các thông tin hỗ trợ các nhóm ngành dần rõ ràng hơn.
Các ý tưởng đầu tư cho tháng 8 bao gồm các doanh nghiệp sản xuất nhiều khả năng sẽ hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm trong khi giá bán được điều chỉnh theo hướng có lợi.
VDSC kỳ vọng xu hướng giảm của các nguyên vật liệu sẽ cải thiện được biên lợi nhuận và triển vọng tăng trưởng nửa sau năm 2022 của các doanh nghiệp sản xuất vốn đã có kế hoạch tăng giá bán hoặc giá bán có thể điều chỉnh theo giá nguyên vật liệu nhưng ở mức thấp hơn do đầu ra ổn định.
Về diễn biến cụ thể, kết thúc tuần từ 1-5/8, VN-Index tăng 46,41 điểm lên 1.252,74 điểm, HNX-Index tăng 11,29 điểm lên 299,9 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 39,2% so với tuần trước đó lên 83.132 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng tăng 47% lên 3.574 triệu cổ phiếu.
Giá trị giao dịch trên HNX tăng 29,6% so với tuần trước đó lên 9.168 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 47,1% lên 472 triệu cổ phiếu.
Theo SHS, thị trường tăng điểm trong bốn phiên đầu tuần với nền tảng thanh khoản vượt lên trên mức trung bình và điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần cũng với thanh khoản giảm nhẹ thể hiện việc áp lực bán ra là không quá mạnh.
Trong tuần tăng điểm của thị trường, hầu hết các nhóm ngành đều diễn biến tích cực, tuy nhiên sự phân hóa giữa các cổ phiếu là khá rõ.
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất tuần với 5,6% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ mức tăng của cổ phiếu thép như: HPG tăng 8,4%, NKG tăng 17,1%, HSG tăng 20,9%…
Các cổ phiếu chứng khoán như VND tăng 13,6%, SSI tăng 12,9%, SHS tăng 11,5%, VCI tăng 11%, HCM tăng 5,6%. Thậm chí nhiều phiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán trở thành động lực chính cho sự sôi động của thị trường chung. Nhóm này giúp cho ngành tài chính tăng 4,9% giá trị vốn hóa trong tuần.
Cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng cũng tăng rất tích cực; trong đó, nổi bật là VCB tăng 9,2%, CTG tăng 6,1%, BID tăng 4,6%, MBB tăng 4,3%…
Các ngành còn lại đều có mức tăng khá tốt như nhóm dịch vụ tiêu dùng và nhóm công nghiệp đều tăng 3,2%, công nghệ thông tin cũng tăng 3,2%, dầu khí tăng 3%, tiện ích cộng đồng tăng 1,9%, hàng tiêu dùng tăng 0,8%…Ở chiều ngược lại, chỉ có nhóm dược phẩm và y tế có mức giảm rất nhẹ, chỉ 0,8% giá trị vốn hóa.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên thị trường trong tuần qua với giá trị ròng đạt 1.503,15 tỷ đồng trên hai sàn. Xét theo khối lượng ròng, STB là mã được mua ròng nhiều nhất với 4,8 triệu cổ phiếu.
Tiếp theo là FUESSVFL với 4,2 triệu chứng chỉ quỹ và VNM với 3,3 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, FUEVFVND là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 24,4 triệu chứng chỉ quỹ, tiếp theo là AGG với 5 triệu cổ phiếu và E1VFVN30 với 3,9 triệu chứng chỉ quỹ.
Theo TTXVN/Vietnam+